Chủ tịch nước nói về Công thư 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
"Công thư đã được công khai hết rồi"
Trên đây là khẳng định của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong đợt tiếp xúc cử tri tại TP.HCM vừa qua. Trong những buổi gặp gỡ này, đã có nhiều ý kiến cử tri đề nghị nhà nước công khai về nội dung, ý nghĩa Công thư năm 1958 do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ cử tri sau kỳ họp thứ 7 |
Trước vấn đề này, Chủ tịch Trương Tấn Sang cho biết: “Công thư này đã được công khai hết rồi”.
Về việc Trung Quốc gửi công thư này lên Liên Hợp Quốc và coi đó là bằng chứng để ngang ngược đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo của Việt Nam, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Tôi đã đọc kỹ từng chữ của bản công thư đó nhưng có chỗ nào cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói Trường Sa, Hoàng Sa là của Trung Quốc đâu. Tôi là người Việt Nam, trình độ cỡ này không thể không hiểu được chữ Việt”.
Về việc nội dung bản công thư nói “công nhận 12 hải lý”, Chủ tịch nước cho rằng: “Lúc bấy giờ Luật biển mới thừa nhận 3 hải lý, nhưng xu thế các quốc gia muốn có lãnh hải 12 hải lý. Các cụ theo tư duy số đông khi đó và mình thừa nhận 12 hải lý (tới năm 1982 Luật biển mới thừa nhận vùng nội thủy là 3 hải lý, lãnh hải là 12 hải lý)”.
Phải có "cái đầu lạnh"
Sáng ngày 27/6, trả lời thắc mắc các cử tri tại quận 3, Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM ông Trần Du Lịch một lần nữa kêu gọi: “Bà con phải có trái tim nóng và cái đầu lạnh. Thấy họ dùng tàu sắt đâm chìm tàu cá của mình mà tôi nuốt cơm không trôi. Tôi cũng căm thù lắm chứ, nhưng thưa bà con, chúng ta phải bình tĩnh để tránh mắc mưu địch”.
Đại biểu Trần Du Lịch |
Đối với tình hình Biển Đông, ông Trần Du Lịch khẳng định: “Quốc hội không hề chậm trễ. Ngay ngày đầu tiên kỳ họp, chúng ta đã bàn về Biển Đông, những ngày sau đó chúng ta bàn tiếp. Việc chúng ta lập tức dành 16.000 tỷ hỗ trợ cho cảnh sát biển và ngư dân trong tình hình ngân sách rất khó khăn hiện nay đã nói nên điều này”.
Đại biểu Trần Du Lịch cũng khẳng định, trong những cuộc họp kín tại Quốc hội, các đại biểu đã xem xét rất kỹ tình hình tại Biển Đông, đã đặt ra nhiều tìm huống và đề ra các biện pháp xử trí phù hợp tình hình.
“Chúng tôi đã đánh giá lại xem hiện nay chúng ta đang phụ thuộc vào Trung Quốc những gì, giày da ra sao, xi măng ra sao. Còn về nguyên phụ liệu, ta phụ thuộc họ nhưng họ cũng phụ thuộc ta. Trong trường hợp họ không cung cấp chúng ta sẽ tìm đối tác khác, cho dù giá có cao hơn một chút. Tôi cũng khẳng định với bà con rằng hiện nay chúng ta nợ Trung Quốc rất ít và Trung Quốc cũng không phải là nước viện trợ ODA nhiều” – Đại biểu Trần Du Lịch nói.
Tiếp tục nói về mối quan hệ với Trung Quốc, đại biểu Trần Du Lịch chia sẻ: “Nếu hàng xóm chúng ta xấu, chúng ta có thể bán nhà để chuyển đi nơi khác. Nhưng đây là đất nước, chúng ta không không thể chuyển. Từ xưa ông cha chúng ta đã đối phó, bây giờ chúng ta phải tiếp tục. Thực tế Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và chúng ta sẽ không bỏ qua thị trường này. Tuy nhiên không có gì lớn hơn chủ quyền đất nước. Chúng ta sẽ không đánh đổi chủ quyền bằng bất cứ thứ gì”.