Chủ tịch nước: Nhà nước sẽ không bỏ ngân sách để “cứu” 12 dự án ngàn tỷ
Chủ tịch nước trả lời các ý kiến chất vấn của cử tri ngày 7/7. |
Trong phần chất vấn, cử tri Dương Xuân Biển (phường 6, quận 4) đã nêu ra 12 dự án của ngành Công thương gây thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng.
Từ đó ông đề nghị các Đại biểu Quốc hội chất vấn Chính phủ và thông tin thêm về quá trình xử lý 12 dự án này.
Trả lời câu hỏi của cử tri Biển, Chủ tịch nước cho biết ngoài 12 dự án này Chính phủ còn tiếp tục rà soát để phát hiện những dự án đầu tư không hiệu quả, thua lỗ kéo dài khác.
Mục đích là để đảm bảo sớm giải quyết tồn đọng nhằm chấm dứt những rủi ro mà những dự án này mang lại cho nhà nước.
“Chúng ta thực hiện có lộ trình nhưng không thể kéo dài quá năm 2020, vì càng kéo dài càng thua lỗ, khi đó gánh nặng nợ công sẽ đè nặng lên vai” – Chủ tịch nước nói.
Ông cũng nhấn mạnh rằng: “Quan điểm của nhà nước là kiên quyết xử lý theo nguyên tắc thị trường, tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp và nhà nước không cấp thêm vốn cho các dự án này”.
“Có dự án dừng cũng lỗ, chạy cũng lỗ nhưng nói nhà nước cấp thêm vốn và sau này có lãi sẽ trả lại, nhưng tinh thần là chúng ta không đồng tình cách làm đó mà phải theo cơ chế thị trường. Nhà nước không dùng ngân sách để bao cấp” – ông cho hay.
“Kiên quyết cho phá sản, giải thể đối với các dự án thua lỗ để thu hồi tài sản cho nhà nước và hạn chế tối đa thất thoát”.
“Phương án xử lý phải công khai, minh bạch, tăng trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, quan tâm đảm bảo lợi ích người lao động, hết sức lưu ý khâu định giá tài sản, đặc biệt là giá trị sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất”.
“Sẽ tiến hành thanh tra, kiểm toán để làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân. Nếu đủ yếu tố hình sự sẽ xử lý, không để tái diễn tình trạng yếu kém như thời gian vừa qua” – Chủ tịch nước chỉ đạo.
12 dự án thua lỗ bao gồm: Nhà máy phân đạm Ninh Bình, Nhà máy phân đạm Hà Bắc, Nhà máy DAP Hải Phòng, Nhà máy DAP Lào Cai, Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Công ty thép Việt – Trung, Dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ, Dự án Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước, Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ.
12 dự án nói trên có tổng mức đầu tư 63.610 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là hơn 14.00 tỷ đồng, đi vay hơn 47.000 tỷ đồng.