Chủ tịch nước: “Đừng để mất lòng tin khi cầm lá phiếu của nhân dân”
Cử tri yêu cầu định hình “lợi ích nhóm”, công khai tài sản
Mở đầu buổi tiếp xúc, cử tri Trần Văn Lân đặt câu hỏi: Hiện nay “lợi ích nhóm” xuất hiện trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, nhiều cá nhân lợi dụng chức quyền để làm trái các quy định, tuy nhiên những nhóm này không được nói rõ?
Cử tri Nguyễn Thị Hiệp thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Bộ Chính trị đã thừa nhận tình hình kinh tế khó khăn hiện nay một phần là do xuất hiện các “lợi ích nhóm”, vì vậy cần làm rõ: “lợi ích nhóm” này là ai, ở đâu, thuộc các ngành nghề, lĩnh vực nào, đã gây tác hại ra sao và chúng ta cần có biện pháp gì để xử lý?
Đoàn Đại biểu Quốc hội lắng nghe ý kiến cử tri |
Đồng tình với quan điểm này, cử tri Trần Văn Lân cho rằng: Chúng ta phải định hình được các "nhóm lợi ích". Đặc biệt, khái niệm “nhóm lợi ích” cũng cần phải được khoa học hóa để chỉ rõ ranh giới. Ông cũng nhấn mạnh: “Chúng ta phải xác định xem “nhóm lợi ích” đã từ dưới lên trên, từ ngoài vào trong như thế nào”.
Với vấn đề công khai tài sản, cử tri Phạm Thị Nga nêu ý kiến: Nếu người cán bộ không có ý định kê khai, và không kê khai hết những tài sản “chìm” thì Quốc hội sẽ xử lý như thế nào. Bà Nga cũng đặt câu hỏi: Những người phát hiện ra việc các cán bộ không công khai thì có được bảo vệ hay không?
Tiếp tục với vấn đề công khai thu nhập, bà Nga cho rằng, khi kiểm tra tài sản mà phát hiện có dấu hiệu tham nhũng thì cần tiếp tục làm mạnh, để tìm ra lý do tại sao lại có số tài sản đó, phải tìm ra gốc rễ vấn đề và xử lý ngay, chứ không thể “phát hiện rồi để đó”.
Cử tri đóng góp ý kiến với Đoàn Đại biểu Quốc hội |
Các cử tri đánh giá rất cao việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm. Ông Nguyễn Kiên Cường cho rằng, đó là việc rất cần thiết và phù hợp với Nghị quyết TW6. Bên cạnh đó cử tri cũng yêu cầu Quốc hội cần phải trừng trị thẳng tay những cá nhân, tổ chức tham nhũng “cho dù đó là bất kỳ ai”.
Nhiều cử tri cũng bày tỏ sự tin tưởng khi chứng kiến Quốc hội lần này đã nêu ý kiến, quan điểm chống tham nhũng một cách quyết liệt.
“Không thể giấu được nhân dân”
Trước sự tin tưởng của cử tri sau khi kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VIII kết thúc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn cử tri, người dân đã tin tưởng vào Quốc hội, đã gửi gắm niềm tin thông qua những quan điểm, trăn trở. Chủ tịch nước cũng chia sẻ: “Khen thì rất mừng, nhưng cũng rất lo, bởi vấn đề trăn trở lớn nhất là tham nhũng vẫn còn đó".
Trả lời cử tri về sự xuất hiện của “lợi ích nhóm”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, đây là vấn đề đang rất bức xúc trên cả nước, “đi đâu cũng nghe người dân nói”. Chủ tịch nước cũng khẳng định vấn đề này không phải “chỉ để mà chỉ, mà phải giải quyết”. Tuy nhiên Chủ tịch nước nhận định, việc giải quyết vấn đề "lợi ích nhóm" hiện tại mới chỉ là bước đầu, chưa đạt nhiều kết quả nên xin phép chưa trả lời.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại hội nghị |
Về vấn đề công khai tài sản, Chủ tịch nước cũng thừa nhận đây là vấn đề rất khó: “Đây không phải là quy định mới, tuy nhiên để hiện thực hóa thì còn gặp phải một loạt vấn đề rắc rối”. Hiện tại nền kinh tế vẫn đang sử dụng rất nhiều tiền mặt, các hành vi tham nhũng, hối lộ vì thế trở lên rất khó kiểm soát.
Thêm vào đó việc kiểm kê, kiểm soát phụ thuộc rất nhiều vào sự trong sạch của các cơ quan chức năng. Trong khi đó “không phải ai cũng trắng ra trắng, đen ra đen, không phải ai cũng chống lại được cám dỗ", vì thế khó khăn càng nhiều hơn.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước khẳng định: “Không ai có thể giấu được nhân dân. Có làm quan chức to đến mấy cũng phải trở về nhà và khi đó không thể giấu mãi". Từ đó Chủ tịch nước kêu gọi người dân hãy phát huy vai trò của mình, mạnh dạn tố cáo những sai phạm của cán bộ.
Về việc bỏ phiếu tín nhiệm, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Đây là biện pháp cụ thể rất quan trọng trong tổng thể hệ thống giải pháp chống tham nhũng, nếu làm tốt sẽ xoay chuyển tình thế". Chủ tịch nước cũng nhắc nhở các vị đại biểu Quốc hội, HĐND “hãy khách quan, công tâm vì sự nghiệp của đất nước, đừng để mất lòng tin khi cầm lá phiếu của nhân dân”.
Với nhân dân, Chủ tịch nước cũng nhắn nhủ: “Phải đòi hỏi các vị này thực hiện đúng ý chí, nguyện vọng của mình”, và hy vọng từ nay về sau việc này sẽ trở thành nề nếp, đây sẽ là hành động quan trọng để kiểm tra, giám sát đội ngủ của Đảng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói chuyện với các phóng viên sau hội nghị |
Cùng đó, Chủ tịch nước cũng khẳng định các cơ quan truyền thông là công cụ quan trọng trong phòng chống tham nhũng và động viên các nhà báo “nếu bị trù úm thì mình đấu tranh lại”. Đặc biệt, các tổ chức nghề nghiệp cũng phải lên tiếng, chứ không thể đấu tranh lẻ tẻ, Chủ tịch nước nhắn nhủ các nhà báo và các nhà quản lý của các cơ quan truyền thông, báo chí.