Chủ tịch nước: Chỉ bỏ tù mà không thu hồi tài sản thì mới thành công một nửa
Chủ tịch nước trò chuyện với cử tri sau buổi tiếp xúc. |
Chống tham nhũng như chống giặc
Trả lời câu hỏi của cử tri, Chủ tịch nước một lần nữa nhấn mạnh phòng chống tham nhũng là vấn đề toàn Đảng, toàn dân hết sức quan tâm, thậm chí coi như “quốc nạn”.
“Do vậy chúng ta phải đấu tranh như chống giặc nội xâm để bảo vệ Đảng, chế độ và nhân dân. Trung ương đã chỉ đạo rất kiên quyết với nhiều giải pháp, đặc biệt là đồng chí Tổng bí thư và đã đạt được kết quả bước đầu tích cực” – Chủ tịch nước nói.
Theo Chủ tịch nước dưới sự chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư… các vụ án kinh tế nghiêm trọng đã được đưa ra xử lý.
“Chúng ta làm quyết liệt và phát hiện ra nhiều vụ mới, điều tra triệt để, đưa ra xét xử với những bản án nghiêm khắc, được nhân dân đồng tình” – ông cho hay.
Cũng theo người đứng đầu nhà nước: “Có những đối tượng đã vào trại rồi nhưng lại bị đưa ra xét xử tiếp với hành vi khác. Việc này tạo ra hiệu ứng tốt, góp phần phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tham nhũng.
“Những vụ án lớn ảnh hưởng đến sự tồn vong, những vụ án nhỏ khiến chúng ta “ngứa ngáy” tất cả đều phải đấu tranh để loại bỏ” – Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Ông cũng chia sẻ rằng, với cương vị từng là Bộ trưởng bộ Công an ông nhận thấy rằng “không dễ để phát hiện ra tham nhũng”.
“Phát hiện đã khó nhưng điều tra kết luận được cũng không phải dễ dàng. Chúng ta luôn phải làm với tinh thần kiên quyết, kiên trì” – ông nói.
Chức càng cao phải xử lý càng nặng
Chủ tịch nước nhận định đây là cuộc đấu tranh cam go, đòi hỏi sự kiên quyết của toàn Đảng, toàn dân và từ trên xuống dưới.
“Trước đây chúng ta nói chưa xử lý được những đối tượng có chức vụ cao, nhưng vừa qua Trung ương đã xử lý nhiều cán bộ cấp cao. Việc này thể hiện sự kiên quyết và khẳng định không có vùng cấm trong cuộc đấu tranh này” – ông đánh giá.
Theo Chủ tịch nước: “Những người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới, chức vụ càng cao thì phải xử lý càng nặng hơn, cố ý làm trái thì phải xử lý nghiêm”.
Tuy vậy ông cho biết nhà nước cũng có quan điểm rất rõ ràng rằng những người tự thú, tố giác đồng phạm, tự nguyện khắc phục sẽ được khoan hồng.
“Như Tổng Bí thư đã nói, ai trót nhúng chàm thì tự giác gột rửa. Đây là chính sách rất nhân văn của Đảng và nhà nước ta” – Chủ tịch nước nhắn nhủ.
Trong vấn đề này ông đặc biệt chú ý đến thu hồi tài sản do phạm tội mà có.
“Có những vụ việc với số lượng tài sản rất lớn. Nếu chúng ta chỉ trừng trị để bỏ tù, còn không thu hồi được tài sản thì tôi cho rằng thành công của chúng ta mới là một nửa” – Chủ tịch nước nhận định.
Chủ tịch nước đứng nói liên tục trong 1h. |
Sắp xếp lại bộ máy để tinh giản biên chế
Đề cập đến tinh gọn bộ máy hành chính, Chủ tịch nước đánh giá rằng trong những năm qua các tổ chức Đảng, nhà nước, mặt trận Tổ quốc… đã từng bước được sắp sếp, do vậy mối quan hệ công tác cũng được bổ sung, hoàn chỉnh, công việc phân định ngày càng hợp lý hơn.
Tuy nhiên ông nhìn nhận rằng: “Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật thì bộ máy của chúng ta vẫn còn quá cồng kềnh, chức năng chồng chéo, hiệu quả công việc chưa đáp ứng được nhiệm vụ”.
Ông khẳng định từ nay đến năm 2021 sẽ tinh giản theo hướng “giảm cấp phó, nhất thể hóa một số chức danh cấp huyện, xã; những xã không đạt về dân số, diện tích tự nhiên sẽ sắp xếp lại”.
Theo ông, các đơn vị sự nghiệp công lập cũng phải tăng số lượng tự chủ hoàn toàn về tài chính để giảm thu ngân sách và tăng cường dịch vụ công.
Nhiều cử tri nhắc lại lời của Tổng Bí thư, thể hiện đồng tình
Trước đó trong phần chất vấn, cử tri Hoàng Thị Lợi (quận 3) đề nghị kiểm soát tài sản của quan chức bằng cách công khai lên trang web để người dân giám sát.
Bà cũng cho rằng quan điểm “Ai trót nhúng chàm thì tự giác gột rửa” của Tổng Bí thư rất hay, từ đó bà đề nghị phát động thành phong trào cho lan tỏa.
Trong khi đó cử tri Phạm Bá Lữ thì mong muốn rằng: “Những cán bộ vi phạm phải được đem ra ánh sáng vì họ làm khổ dân nhiều quá. Phải làm sao để “củi tươi cũng cháy” – ông cho hay.