Chủ tịch nước: Các nước tiên tiến cũng lấy ngân quỹ bồi thường án oan sai!
Bức xúc án oan sai
Sáng ngày 6/12, Tổ số 1 Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp tục có buổi tiếp xúc với cử tri quận 4.
Tại đây, cử tri Trung Cường Xanh đã nêu việc thời gian qua tòa án tại nhiều nơi thừa nhận một số án oan sai và tiến hành bồi thường bằng tiền ngân sách đã gây ra bất bình trong dư luận.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 6/12. |
Trước việc này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhìn nhận đây là vấn đề rất bức xúc hiện nay. Theo ông thì án oan sai trước đây cũng có nhưng “không được công khai hóa nên người ta không biết”, và trong những năm gần đây Nhà nước đã cố gắng rất nhiều để hạn chế điều này bằng cách sửa luật, nâng cao chất lượng kiểm sát, luật sư, thẩm phán…
“Chúng ta phải khuyến khích tính công khai và cũng nên nhìn nhận rằng công khai hóa án oan là sự mạnh dạn của các cơ quan tố tụng. Hiện nay những ai vi phạm đều bị truy tố hình sự, việc này rất sòng phẳng, dân hay quan vi phạm đều phải bị xử như nhau” – Chủ tịch nước nói.
Theo Chủ tịch nước, trước đây xét xử chủ yếu dựa vào kết luận điều tra của công an nhưng giờ đây phải dựa vào kết quả tranh tụng giữa VKS giữ quyền công tố và Luật sư của bị can, bị cáo. Báo chí cũng được tham dự rộng rãi. “Nhờ quy trình này một số vụ án oan sai đã được phát hiện” – ông cho hay.
Về vấn đề bồi thường án oan, Chủ tịch nước cho rằng: “Các nước tiên tiến cũng lấy ngân quỹ họ trả bởi công chức lấy đâu ra tiền”. “Có người nó siết nhà nhưng coi chừng đó có khi lại là nhà công vụ. Điều quan trọng là những người xử sai phải chịu trách nhiệm hình sự cá nhân” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Nợ công tăng nhanh hơn GDP 3 lần
Giải đáp những thắc mắc về nợ công, Chủ tịch nước cho biết hiện nợ công rất cao và tốc độ tăng cũng nhanh hơn 3 lần so với GDP (18-20% so với hơn 6% của GDP), do vậy hiện nay nhà nước đang phải đi vay và trích một phần ra để trả những khoản nợ đến hạn.
“Chúng tôi đã thấy lỗi của chúng tôi rồi, nhưng mong các anh chị hãy cùng giám sát trên địa bàn của mình, cấp của mình và trong những kiến nghị về chính sách cũng phải nên kiềm chế vì tất cả kiến nghị đều liên quan đến nợ công” – Chủ tịch nước chia sẻ.
Theo Chủ tịch nước thì bây giờ chỉ có thể dành ưu tiên cho các công trình trọng điểm quốc gia như đường xá, cầu cống, đê điều… vì nó sẽ giúp chuyển động cả nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng cao hơn và nếu “phanh” ngay lại thì nền kinh tế “chịu không nổi”.
“Quốc hội, Chính phủ, Đảng cũng đã thấy rồi, mà nguyên nhân sâu xa cô bác, anh chị quy lỗi chúng tôi hoàn toàn đúng, đó là hiệu quả đầu tư công. Không phải tất cả nhưng rất nhiều dự án không hiệu quả nên dẫn tới hệ lụy là nợ đến hạn nhưng nguồn thu không đủ nên phải vay thêm. Chúng tôi sốt ruột lắm!" – Chủ tịch nước thừa nhận.
Chủ tịch nước khẳng định nhà nước phải làm cho đúng những quy định thì tình hình sẽ được cải thiện trong vài năm tới.
Một cử tri chất vấn đoàn ĐBQH. |
Doanh nghiệp đừng trông chờ vào nhà nước
Cũng trong buổi tiếp xúc hôm nay, nhiều cử tri đại diện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đưa ra những câu hỏi về sự hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp khi nước ta sẽ tham gia một loạt các hiệp định thương mại tự do.
Về vấn đề này Chủ tịch nước khẳng định chắc chắn sẽ có những hỗ trợ. Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh rằng quan trọng nhất vẫn là các doanh nghiệp phải đổi mới triệt để tư duy, bởi dù có chính sách thì cũng chỉ ở một mức độ nào đó vì có thể vi phạm các hiệp định đa phương.
“Doanh nghiệp phải đổi mới tư duy, cách làm. Sức nhà nước có hạn thôi, có lắm thì giảm thuế, miễn thuế. Khi chúng ta tham gia các hiệp định thương mại tự do mà lại đi làm các biện pháp phi thị trường thì sẽ bị kiện ở cấp chính phủ chứ không phải muốn cho gì thì cho” – Chủ tịch nước cho biết.
Chủ tịch nước cũng nhận định, trong bối cảnh hội nhập rất nhanh, sâu rộng trong thời gian tới các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên phải cố gắng vượt qua “chặng này” thì Việt Nam mới thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
“Môi trường kinh doanh của ta đang bị tụt hậu so với cả các nước ASEAN. Nếu mình không chiêu hiền đãi sĩ thì họ sẽ qua nước khác. Nếu mình không cải thiện thì ngay cả doanh nghiệp của mình họ cũng sẽ ra nước ngoài vì từ tháng 1/2016 là họ đã được tự do đi lại làm ăn trong 10 nước ASEAN” – Chủ tịch nước nói.
“Về thái độ ứng xử của một số Đại biểu Quốc hội tại các diễn đàn, tôi xin nói thật là bàn tay cũng có ngón dài ngón ngắn. Khi bầu cử cô bác đã lựa chọn, nhưng làm sao ra tác nghiệp giống nhau hết được? Có điều là khi cô bác anh chị phát hiện thì góp ý với chúng tôi, chúng tôi sẽ nhắc nhở ngay. Nhưng phải trung thực, nói được ý kiến cử tri, dũng cảm phản ánh ở các diễn đàn cần thiết, người ta nói sai phải đấu tranh lại. Cái đó quan trọng!” – Chủ tịch Trương Tấn Sang nhấn mạnh.