Chủ tịch HĐND TP.HCM: Người dân hỏi tôi tại sao ưu tiên cho nội thành như vậy?
Cây cầu vượt trên đường Trường Sơn (quận Tân Bình) mới được khánh thành. |
Nội thành – làm cầu vượt trăm tỷ chỉ vài tháng
“Hôm nay tôi cũng muốn trao đổi với anh Cường (ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở Giao thông vận tải) và anh Phong (ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP) một vấn đề rất khó” – bà Tâm nói và cho rằng vấn đề này mình hoàn toàn ghi lại ý kiến của cử tri.
“Ở nội thành mình làm một cây cầu vài trăm tỷ chỉ mấy tháng là xong, tại sao ở ngoại thành có một con đường vài chục tỷ mà vài năm mình làm không được?
Tại sao mình ưu tiên quá cho nội thành, mở đường, làm cầu vượt, cầu cạn… đủ thứ mà tiền thì có để làm, trong khi đó ngoại thành đã rất khó khăn rồi, giờ chỉ có 1 số tuyến đường xuống cấp rất trầm trọng mà mình không làm.
Tôi cũng giải thích với bà con là không có sự phân biệt đối xử gì ở đây cả và mình cũng rất quan tâm đến ngoại thành bằng cách đầu tư xây dựng nông thôn mới. Nhưng mà rõ ràng mình thấy rằng hệ thống giao thông ở nông thôn hiện nay còn rất nhiều vấn đề”.
Nhắc lại một chuyện đã xảy ra mấy tháng trước, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm tiếp tục lưu ý trách nhiệm Sở Giao thông vận tải.
Khi đó tại buổi nói chuyện với lãnh đạo TP, một em học sinh phản ánh tuyến xe buýt số 22 (từ Bến xe quận 8 đến khu công nghiệp Lê Minh Xuân) rất xuống cấp, trong khi đây là tuyến mà em và các bạn đang đi học hàng ngày.
“Khi đi qua chỗ dằn (xóc) con có cảm giác cái bánh xe muốn sút (rơi) ra luôn” – em học sinh cho hay.
“Sau đó tôi yêu cầu HĐND đi kiểm tra bằng cách ngồi thử trên tuyến đó thì mọi người nói rằng đúng như vậy. Nhưng cũng vì tuyến đường đó hư quá nên người đầu tư nói có thay xe mới vào thì cũng sẽ hư thôi” – bà Tâm nói.
Ngay sau đó bà đề nghị Sở Giao thông vận tải phối hợp với huyện Bình Chánh đẩy nhanh tiến độ tuyến đường, vì: “Mình thường nói là ổ gà nhưng thật sự không biết phải gọi nó là ổ gì nữa, xuống cấp lắm rồi”.
Cũng tại đây bà Tâm còn đề cập đến một vấn đề khác mà bà cho rằng rất khó chấp nhận.
“Các đồng chí có tin được không, khi mọi người nói rằng ở TP.HCM mà học sinh đi học phải mang 2 bộ đồ. Nói ở đâu còn nghe được chứ ở TP.HCM mà người ta nói như thế. Vì sao, học sinh đạp xe đi trời mưa, trong khi ổ gà cỡ đó mà té là phải có đồ khác để thay mới đến lớp được. Đó là thực tế chứ không phải chuyện đùa” – bà Tâm cho hay.
Các em học sinh bị ướt hết đồ khi đạp xe qua một con đường bị ngập ở quận 7. |
Người dân không quan tâm tuyến đường có “chờ lún” hay không
Cũng trong buổi làm việc này, các đại biểu còn phản ánh việc đường Trần Văn Giàu (huyện Bình Chánh) xuống cấp rất nhanh, dù con đường này mới được đầu tư mở rộng.
Thừa nhận phản ánh là đúng, ông Bùi Xuân Cường cho biết đây là tuyến đường có mật độ xe tải, container lớn do là hướng kết nối hiệu quả với các khu công nghiệp của tỉnh Long An.
“Mật độ xe rất cao nên mặt đường một số đoạn bị hư hỏng. Đặc biệt là đoạn từ Nguyễn Cửu Phú đến Tỉnh lộ 10” – ông Cường thông tin, và cho rằng đường đang khai thác trong điều kiện chờ lún (thi công trên vị trí hoàn toàn mới) nên có hư hỏng.
Cũng theo ông, đoạn từ Nguyễn Cửu Phú đến Võ Trần Chí và từ cầu Tân Tạo đến Tỉnh lộ 10 Sở chưa nhận bàn giao nên nhà thầu thi công phải có trách nhiệm sửa chữa.
Không hài lòng với trả lời này, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng người dân sẽ không quan tâm đó là đường chờ lún hay không, mà chỉ biết rằng: “Đây là tuyến đường mới làm tại sao lại hư như vậy, có tiêu cực gì hay không”.
Đặc biệt, bà nhìn nhận vấn đề này còn liên quan đến dư luận chính trị, bởi: “Mình đặt tên một đồng chí đáng kính trọng như vậy nhưng con đường vừa mới làm xong đã hư”.