Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Để nguồn tiền không tiêu hết là có lỗi với người dân
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung. |
Không tiêu hết là có lỗi với người dân
Kết thúc phiên chất vấn vào cuối giờ chiều 9/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã dành hơn một giờ để làm rõ thêm những vấn đề mà các đại biểu đã đề cập.
Thông tin về nội dung đầu tư xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm 2019 chậm, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung thừa nhận, tiến độ giải ngân 6 tháng đầu năm 2019 đạt 32,2%, thấp hơn so với năm 2018 (33,5%).
Theo ông Chung, việc các dự án đầu tư công giải ngân chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó thành phố đã kiểm điểm rõ trách nhiệm liên quan đến việc điều hành đầu tư công chậm.
“Thành phố xác định không đưa được nguồn lực đầu tư công vào vận hành, để nguồn tiền không tiêu hết là có lỗi với người dân”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nêu.
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, từ đầu 2016, UBND TP đã đề xuất sang Thường trực Thành ủy và được Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy thông qua việc nâng chính sách đền bù GPMB cho người dân khi nhận nhà tái định cư từ 3,2 triệu lên 6,8 triệu. Nhờ vậy, có nhiều dự án như dự án vành đai 2, có khu vực từ 95 - 98% người dân lấy tiền chứ không lấy nhà tái định cư.
Ngoài ra, TP Hà Nội cũng được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặt hàng xây nhà ở thương mại phục vụ cho tái định cư theo hướng huy động nguồn lực xã hội vào đầu tư các dự án chứ không dùng ngân sách. Hiện nay các dự án lớn của thành phố như vành đai 3, 2, 1 và các dự án khác đều đủ nhà tái định cư cho người dân.
Toàn bộ hệ thống phần mềm của thành phố chạy rất trơn tru
Theo Chủ tịch Hà Nội, Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT giai đoạn 2016-2020 của thành phố được chuyển từ hình thức đầu tư trực tiếp sang mô hình thuê dịch vụ như: thuê máy chủ, thuê máy chủ dự phòng; thuê đường truyền; thuê dịch vụ Cloud (dịch vụ cho thuê máy chủ ảo trên nền điện toán đám mây)...
"Việc thành phố thuê dịch vụ CNTT là đúng theo chủ trương của nhà nước và hiện Chính phủ cũng thực hiện theo hình thức này", ông Chung nói và cho biết “nếu thành phố đầu tư bộ máy để quản lý vận hành các hệ thống thì vừa tốn kém, vừa không có đội ngũ nhân lực vận hành chuyên nghiệp”.
Theo đó, toàn TP Hà Nội đang có 83 doanh nghiệp CNTT cung cấp 170 hệ thống thông tin phần mềm ứng dụng khác nhau ở các cơ quan, đơn vị của thành phố; với tổng chi từ 2016 đến nay là 1.471 tỷ đồng.
Một trong những nội dung được mọi người quan tâm là hệ thống này được bảo mật thế nào? Liệu có lộ, lọt các dữ liệu không? Trả lời những nội dung này, ông Chung cho rằng: Một số dự án số hóa dữ liệu cũng được TP Hà Nội tổ chức đấu thầu.
UBND TP cũng đã hợp đồng với Ban Cơ yếu Chính phủ làm công tác bảo mật. Máy tính muốn truy cập dữ liệu phải kết nối với hệ thống theo các vị trí IP, GPS theo địa chỉ cụ thể. Bên cạnh đó, tài khoản người dùng được cấp theo yêu cầu đúng vị trí việc làm, được phân quyền theo từng cấp độ.
"Tất cả dữ liệu đều được mã hóa, không thể khôi phục, sử dụng ở máy tính khác. Đặc biệt, tất cả các máy chủ kết nối với máy chủ giám sát của Ban Cơ yếu Chính phủ, mọi hoạt động đều có thể truy vết và phân tích giám sát. Hiện toàn bộ hệ thống phần mềm của thành phố chạy rất trơn tru và năm nay không xảy ra sự cố nào", ông Chung cho biết thêm.