Chủ tịch Hà Nội: "Không thể cấm xây dựng khách sạn trong nội thành"
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung (thứ 2 từ bìa phải) tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 24/7. |
Chủ trương xây dựng 40 khách sạn trong nội thành
Tại buổi tiếp xúc cử tri sáng nay, trước đề nghị của cử tri đề nghị TP nghiên cứu đầu tư lắp đặt hệ thống camera, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết: Toàn TP hiện có 5 hệ thống camera (camera của các đơn vị như Bộ tư lệnh Lăng, Bộ tư lệnh Cảnh vệ, Công an thành phố, Truyền thanh VOV và của người dân, khách sạn, nhà hàng). Thành phố đang nghiên cứu để trong thời gian tới tích hợp 5 hệ thống này nhằm tận dụng hiệu quả.
“Riêng hệ thống camera của TP, hiện nay có 400 camera, chủ trương trong thời gian tới TP sẽ đầu tư khoảng 4.000 camera. Tuy nhiên, để có 4.000 camera này phải có trung tâm tích hợp để theo dõi. Do đó, TP đang xây dựng trung tâm điều hành chung về CNTT trên đường Võ Chí Công và sẽ cố gắng khánh thành giai đoạn một vào 31/12 này trên tinh thần sẽ xây dựng một trung tâm điều hành chung với công nghệ hiện đại nhất hiện nay”- ông Nguyễn Đức Chung nói.
Ngoài ra, trước việc cử tri kiến nghị TP không xây dựng khách sạn trong phố cổ, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, TP đang có chủ trương xây dựng 40 khách sạn với số lượng phòng đảm bảo thêm từ 20- 30.000 phòng trong vòng 3- 4 năm tới. Sau 15 năm, chỉ từ đầu năm 2017 đến nay tất cả các khách sạn trên địa bàn thành phố đã kín phòng cho đến hết năm 2018. Đây là tín hiệu vui mừng! TP cũng đang thương thảo với các tập đoàn lớn trên thế giới để đưa ra các giải thể thao trên cơ sở đó thu hút khách du lịch. Muốn thu hút được khách du lịch phải tăng cường các dịch vụ du lịch, các khu vui chơi giải trí, phấn đấu ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn kéo theo nhiều dịch vụ liên quan.
“Không thể cấm việc xây dựng khách sạn trong khu vực nội thành, mà chúng ta phải khuyến khích bởi vì chỉ có khách sạn trong nội thành mới có thể đông khách được chứ không thể đưa khách sạn ra xa được. Khách sạn lưu trú phải đặt ở đơi để du khách thuận tiện ăn, chơi nhất. Sau này các dịch vụ đông khách, người dân ở khu vực này sẽ tự di chuyển, như các nước khác các khu vực lõi đông lên người dân sẽ đi mua nhà nơi khác và nhà ở đây cho khách thuê khi họ cảm thấy có lợi nhuận hơn. TP năm vừa rồi đã duyệt một loạt khách sạn nằm trên quận Hoàn Kiếm”- Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói.
Hồ Hoàn Kiếm sẽ đẹp hơn bây giờ rất nhiều !
Trong số các ý kiến của cử tri sáng nay, có rất nhiều ý kiến về việc nạo vét hồ Hoàn Kiếm. Giải đáp những băn khoăn của cử tri, người đứng đầu chính quyền TP nhấn mạnh, về việc nạo vét xử lý ô nhiễm nước Hồ Hoàn Kiếm, TP đã có chủ trương cách đây 1 năm, trên cơ sở tính toán kỹ, khảo sát kỹ về chất lượng nước, bùn và các loại sinh vật trong hồ … TP đã giao cho Công ty thoát nước Hà Nội xây dựng đề án làm 3 nội dung: Hút bùn, xử lý ô nhiễm nguồn nước, cung cấp thêm mỗi ngày khoảng 1.000m3 nước đảm bảo cho nước hồ Hoàn Kiếm cao hơn mực nước hiện nay 50cm.
Qua gần một năm, Công ty thoát nước đã xây dựng đề án, đã báo cáo Thành ủy, xin ý kiến của các bộ, tổ dân phố. Trong thời gian tới sau khi hoàn thành các thủ tục, TP sẽ tiến hành thi công dự án này nhằm khôi phục lại hồ Hoàn Kiếm đảm bảo xanh, đẹp hơn.
Bên cạnh đó, TP cũng có chủ trương giao cho quận Hoàn Kiếm triển khai lại đề án mà quận đã xây dựng cách đây 8 năm: lát lại vỉa hè xung quanh hồ Hoàn Kiếm và tổ chức chiếu sáng lại hồ Hoàn Kiếm.
“Việc chiếu sáng từ trước đến nay chắp vá, hiện có tập đoàn đã tài trợ toàn bộ việc chiếu sáng và được 2 tập đoàn của Pháp và Hà Lan nghiên cứu, trình bày phương án chiếu sáng. Với phương án chiếu sáng này chắc chắn hồ Hoàn Kiếm của chúng ta sẽ đẹp hơn bây giờ rất nhiều.
Về việc lát lại vỉa hè, hiện quận Hoàn Kiếm cũng đang trình và xây dựng đề án này. Có nghĩa là, xung quanh Hồ Hoàn Kiếm sẽ được làm đồng bộ 5 nội dung gồm: lát lại vỉa hè, làm lại hệ thống chiếu sáng, hút bùn, làm sạch nguồn nước của hồ, cung cấp cho hồ lượng nước sạch để đảm bảo cho hồ Hoàn Kiếm có mực nước cao hơn 50 cm so với mực nước hiện nay”- Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Không cấm hoàn toàn phương tiện cá nhân
Một vấn đề khác cũng được các cử tri quận Hoàn Kiếm đề cập đến nhiều đó là đề án giảm phương tiện cá nhân, đến năm 2030 sẽ cấm xe máy đi vào khu vực nội thành. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, đề án chỉ là hạn chế chứ không phải cấm hẳn.
“Tại sao phải từ nay đến năm 2030, vì từ TP đã xây dựng lộ trình gồm: Xây dựng các tuyến tàu metro để đảm bảo năng lực vận tải hành khách công cộng; tăng cường xe bus mở thêm nhiều loại tuyến với nhiều loại hình (mini bus, bus to như hiện nay) đảm bảo từ nay đến 2030 đáp ứng từ 50% - 70% người dân sử dung xe bus. Từ nay đến năm 2020 sẽ tăng cường thêm khoảng 1.000 xe bus và mở thêm nhiều luồng tuyến thì mới tiến tới hạn chế và cấm xe máy…
Đây là mục tiêu mà TP phải phấn đấu ghê gớm vì việc đầu tư hệ thống cho hạ tầng giao thông đặc biệt là các tuyến metro rất tốn kém. Theo tinh thần mới nhất việc xây dựng các tuyến metro của Hà Nội đã được Thủ tướng chấp thuận. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào ngày 26/6 vừa qua, Thành phố đã đưa ra các danh mục để kêu gọi. Hiện nay đã có 3 nhà đầu tư nước ngoài và 6 nhà đầu tư trong nước đăng ký xây dựng các tuyến metro này, kêu gọi tư nhân hóa theo hình thức TPP chứ không đầu tư theo hình thức vay vốn ODA để xây dựng các tuyến metro này nữa. Bởi vì xây dựng theo vốn vay ODA tốn kém, đắt và kéo dài. Bên cạnh đó thành phố sớm đưa ra các dịch vụ liên quan đến xe đạp công cộng và triển khai sớm”- ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.