Chủ tịch Hà Nội: Không có ý định thay cây quanh Hồ Gươm
Đây là thông tin được Chủ tịch UBND TP HN Nguyễn Đức Chung thông tin sau phần chất vấn và trả lời chất vấn, thay mặt tập thể UBND TP, người đứng đầu chính quyền Thành phố cho hay.
Chủ tich UBND TP Nguyễn Đức Chung |
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư TP chấp thuận đầu tư Nhà hát Hoa Sen. "Thời gian qua tôi nhận được tin nhắn của cử tri, xin giải thích như sau: Nhu cầu phát triển nhà hát là bức thiết, TP có nghiên cứu xây dựng Nhà hát Thăng Long nhưng đầu tư cần 3-5 nghìn tỷ để giải phóng mặt bằng. TP vẫn có chủ trương đầu tư, tuy nhiên theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy là kêu gọi xã hội hóa đầu tư trên mặt nước. Việc thiết kế nhà hát trên mặt nước nổi không mất chi phí giải phóng mặt bằng, với đa chức năng sẽ phục vụ nhu cầu về văn hóa của người dân. Dự kiến, đến ngày 10-10-2019 sẽ khánh thành nhà hát nhân dịp kỷ niệm Giải phóng Thủ đô.
Thường trực Thành ủy đã ban hành nhiều văn bản và chỉ đạo thực hiện nạo vét làm sạch Hồ Tây, hút 1,5 triệu tấn bùn; thu gom toàn bộ nước thải ở Hồ Trúc Bạch và Hồ Tây; làm sạch nước Hồ Tây hiện có; xây dựng đề án cải tạo cảnh quan môi trường, xây dựng Hồ Tây thành điểm vui chơi, tham quan, giải trí cho người dân Thủ đô. Phấn đấu thực hiện xong dự án hút bùn trước Tết âm lịch.
Đối với Dự án xung quanh cải tạo Hồ Hoàn Kiếm, dư luận băn khoăn việc cải tạo có trồng lại cây xung quanh hồ không?. “Chúng tôi không có ý định đó, mà chỉ cải tạo nạo vét hồ có 3 hạng mục chính là nạo vét, làm sạch nước hồ trên tinh thần làm sạch bảo tồn văn hóa và chỉnh trang, lấy lại vỉa hè cho người dân, đảm bảo sự bền vững hàng trăm năm. UBND quận Hoàn Kiếm đang xin ý kiến các bộ, ban, ngành trên cơ sở đầy đủ trình tự thủ tục sẽ công khai xin ý kiến nhân dân tham gia giám sát thực hiện.”- Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định.
Nói về vấn đề trồng, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung bày tỏ: Hiện nay, trong quá trình xây dựng phát triển của bất kỳ quốc gia nào, việc đánh, chuyển dịch cây xanh là vấn đề không tránh khỏi. Thời gian tới còn nhiều dự án liên quan đến dịch chuyển cây xanh như đường Vành đai 2, bãi đỗ xe ngầm trước Công viên Thống Nhất, Nhà hát lớn; tại đường vành đai 1 và các tuyến khác…
“Quan điểm nhất quán của TP trong quy hoạch đầu tư xây dựng là tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước. Trong trường hợp bắt buộc dịch chuyển, giải tỏa cây xanh nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án phải được tính toán chặt chẽ, chọn phương án tối ưu với ưu tiên hàng đầu và phải bảo tồn, di chuyển dù có thể phát sinh chi phí, trong điều kiện không thể dịch chuyển mới thực hiện biện pháp giải tỏa, chặt hạ.
“Hà Nội luôn ưu tiên chọn phương án quy hoạch đầu tư xây dựng vừa bảo tồn được cây xanh hiện có vừa trồng mới thêm, với mục tiêu tăng tỷ lệ cây xanh trên đầu người để cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe nhân dân. Vì đây là vấn đề luôn luôn được người dân quan tâm nên chúng tôi thực hiện dự án nghiêm túc; quá trình thực hiện luôn tham khảo ý kiến chuyên gia.”- Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội khẳng định.
Với việc di chuyển cây xanh tại đường Vành đai 3, đây là trục giao thông huyết mạch của Thủ đô, là tuyến đường hết sức quan trọng của giao thông liên tỉnh qua Hà Nội cũng như là trục chính đô thị phục vụ đi lại nội đô TP. Việc thực hiện đúng tiến độ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Bộ Giao thông Vận tải khởi công tuyến đường sắt trên cao, tiết kiệm chi phí.
Trên cương vị người đứng đầu Thành phố, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung mong cử tri yên tâm, TP sẽ nghiên cứu, đánh giá, tính toán cụ thể… Mong muốn cử tri Thủ đô và mọi người đồng hành cùng TP, cam kết trồng cây xanh để Hà Nội xanh-sạch-đẹp, phấn đấu đến năm 2020 đạt 10-11m2/đầu người dân có cây xanh.