Chủ tịch Hà Nội "bất ngờ" lại đề xuất hạn chế xe cá nhân
Sáng nay (28/12), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.
Sau phần phát biểu gợi ý thảo luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung là người đầu tiên phát biểu bày tỏ thống nhất cao với báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; đồng thời nêu ra hai đề xuất đối với các công việc liên quan đến Hà Nội, trong đó có việc Chính phủ cho phép Hà Nội xây dựng lộ trình hạn chế xe cá nhân.
Theo tân Chủ tịch Hà Nội, hiện nay bình quân hàng tháng trên địa bàn thành phố Hà Nội có 18.000-20.000 xe máy đăng ký mới và từ 6.000-8.000 ôtô đăng ký mới. Vì thế bức tranh giao thông sẽ tiếp tục nghiêm trọng hơn khi đến năm 2018, nhiều dòng thuế liên quan đến ôtô được miễn giảm sẽ làm gia tăng các phương tiện đăng ký mới.
Lo ngại trước tình trạng ùn tắc giao thông, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã đề xuất với Chính phủ cho phép xây dựng lộ trình hạn chế xe cá nhân. (Ảnh: Xuân Phú) |
Chủ tịch Hà Nội dự báo, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ôtô, chưa kể ôtô của lực lượng vũ trang cũng như các tỉnh vào Hà Nội và khoảng 7 triệu xe máy.
"Với những hiện trạng như bây giờ, trong vòng 4 -5 năm nữa vấn đề giao thông ở Hà Nội sẽ ngày càng phức tạp" ông Nguyễn Đức Chung nói.
Từ nhận định trên, lãnh đạo Hà Nội đề xuất với Chính phủ cho phép các bộ ngành trung ương cùng với Hà Nội xây dựng lộ trình hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông.
Những năm qua, Bộ Giao thông vận tải và UBND TP Hà Nội đã nhiều lần đưa ra các giải pháp hạn chế xe cá nhân ở TP Hà Nội và TPHCM để hạn chế ùn tắc giao thông. Cá biệt, vào năm 2005, để hạn chế xe cá nhân, Hà Nội từng tạm dừng đăng ký xe máy mới ở một số quận. Tuy nhiên, sau đó, những đề xuất, giải pháp của chính quyền trong việc hạn chế xe cá nhân không được dư luận đồng tình nên đều bị dỡ bỏ hoặc chỉ được đề xuất trên giấy tờ.
9 nhóm giải pháp thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong năm 2016
Cũng tại hội nghị sáng nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giới thiệu tóm tắt Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Theo đó, Dự thảo Nghị quyết đề cập đến 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2016. Cụ thể là: (1) Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; (2) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; (3) Bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội; (4) Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; (5) Đẩy mạnh xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp; (6) Tạo chuyển biến căn bản về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo; (7) Tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; (8) Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước; (9) Tăng cường công tác thông tin truyền thông.
Dự thảo Nghị quyết nhấn mạnh, để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và tạo đà cho việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị, cá nhân liên quan nỗ lực tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực; tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả các đột phá chiến lược, các chương trình, đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách, phát luật phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.
Hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 28/12 đến hết buổi sáng 29/12.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2015 tăng trưởng đạt 6,68%, là mức tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua và cao hơn con số đã báo cáo trước Quốc hội (6,5%). Hoạt động phát triển doanh nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2015 là gần 95 nghìn doanh nghiệp với tổng số vốn là trên 600 nghìn tỷ đồng.
Các lĩnh vực an sinh xã hội tiếp tục được các cấp, các ngành chú trọng triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực. Các hoạt động văn hóa – nghệ thuật, thông tin, tuyên truyền, thể thao, an toàn giao thông được triển khai và đạt kết quả tốt...