Chủ tịch Đà Nẵng nói về "bí quyết" thành công đô thị hoá
Ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (Ảnh: HC) |
Mở rộng bờ sông, kéo dài bờ biển
Trả lời phỏng vấn báo Infonet ngày 17/7, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho biết, trong giai đoạn 2003 - 2013, Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng trên 300 khu dân cư, khu đô thị, thực hiện chương trình “Có nhà ở” và Đề án “7.000 căn hộ dành cho người thu nhập thấp”… Qua đó góp phần tạo quỹ nhà ở lớn bố trí cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ tái định cư, sinh viên... nâng diện tích nhà ở từ 7m2 sàn/người năm 2003 lên 20m2 sàn/người năm 2013.
Cùng thời gian này, nhiều công trình có quy mô lớn, hiện đại đã được xây dựng, đưa vào sử dụng. Nổi bật là những chiếc cầu mới bắc qua sông Hàn tạo sự cân bằng trong phát triển KT-XH giữa hai bờ Đông - Tây. Nhiều tuyến đường mới như Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng, Hoàng Sa, Trường Sa, Võ Văn Kiệt, Võ Chí Công... đã giúp Đà Nẵng “thay da đổi thịt” qua từng ngày.
Đó là một trong những kết quả nổi bật mà Đà Nẵng đạt được qua 10 năm được công nhận đô thị loại 1 theo Quyết định 154/QĐ-TTg (ngày 15/7/2003) của Thủ tướng Chính phủ và cũng là 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW (ngày 16/10/2003) của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ CNH - HĐH”. Đó cũng là những mốc son đánh dấu bước chuyển mình và phát triển mạnh mẽ của Đà Nẵng trên bước đường trở thành TP động lực của cả khu vực miền Trung.
"Chương trình đô thị hóa của TP trong những năm qua có thể nói là thành công trên cả bề rộng lẫn bề sâu. Ranh giới đô thị Đà Nẵng được mở rộng hơn 3 lần theo hướng “mở rộng bờ sông, kéo dài bờ biển”, đem lại cho TP tầm vóc mới về cả không gian lẫn chất lượng đô thị. Từ chỗ chỉ có 3 quận và 1 huyện, đến nay Đà Nẵng đã có 6 quận, 2 huyện (bao gồm của huyện Hoàng Sa). Việc mở rộng đô thị đã tạo thêm không gian ở và khai thác quỹ đất, xây dựng đô thị hoàn chỉnh, có cấu trúc hài hòa" - ông Văn Hữu Chiến khẳng định.
Giao thông đi trước một bước
Theo ông Văn Hữu Chiến, trong quá trình đó, Đà Nẵng luôn kiên trì quan điểm lấy phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông làm khâu đột phá, xem đây là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu và đi trước một bước. Điển hình là việc mở rộng QL1 từ Thanh Hoá đến Cần Thơ đến nay mới được triển khai với 4 làn xe nhưng từ 10 năm trước Đà Nẵng đã mở rộng đến 33m cho 6 làn xe, đi trước một bước để mở rộng không gian đô thị. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch của TP đảm bảo định hướng quy hoạch chung và linh hoạt, các khu vực chức năng phát triển đúng hướng.
Dự thảo báo cáo của Thành uỷ Đà Nẵng tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị cho hay, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách TP giai đoạn 2003-2013 ước đạt trên 45.933,8 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tập trung 5.876,6 tỷ đồng; tiền sử dụng đất 27.189,3 tỷ đồng (chiếm 59,2%); nguồn vốn ODA khoảng 1.151,6 tỷ đồng. Tổng nguồn huy động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng trong nhân dân đạt trên 210 tỷ đồng. Quỹ Đầu tư phát triển huy động vốn từ các tổ chức nước ngoài hơn 200 tỷ đồng.
Đêm trên dòng sông Hàn chảy qua giữa lòng TP Đà Nẵng (Ảnh: HC) |
Ông Văn Hữu Chiến nhấn mạnh: "Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách TW và và địa phương còn khó khăn, TP đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách và có nhiều cách làm mới, sáng tạo phù hợp với thực tiễn để phát huy tối đa nội lực, nổi bật là chủ trương “Khai thác quỹ đất”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huy động vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển... đã tạo nguồn lực to lớn cho đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội TP".
Phương thức đổi đất lấy hạ tầng và lấy quy hoạch nuôi quy hoạch được Đà Nẵng áp dụng nhuần nhuyễn và rất thành công, từ đó phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người dân. Nhờ thực hiện tốt việc giải tỏa, di dời, tái định cư mà TP đã có được hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, những khu phố mới khang trang bên bờ đông sông Hàn mà trước đó là khu nhà tạm bợ, rách nát...
Yếu tố quyết định vẫn là lòng dân
Tuy nhiên yếu tố quyết định đô thị hóa thành công theo ông Văn Hữu Chiến vẫn là quyết tâm của cả Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của người dân. Hàng năm Đà Nẵng đều công bố các quyết định về chính sách, chủ trương đền bù giải toả mặt bằng, bố trí tái định cư. Đền bù giải toả theo quyết định nào thì giá đất tái định cư theo quyết định đó, làm sao khi thực hiện dự án không tạo nên những khác biệt khiến người dân thắc mắc.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là khâu luôn nảy sinh nhiều vướng mắc nhất, Đà Nẵng làm theo cách dự án ở quận, huyện nào thì Chủ tịch quận, huyện đó làm Chủ tịch Hội đồng GPMB, còn cái gì liên quận, mang tính chất quan trọng thì cử một Phó Chủ tịch UBND TP đứng ra làm Chủ tịch Hội đồng GPMB, có nhiều Sở, Ban, ngành tập trung vào để triển khai thực hiện.
Đặc biệt, Đà Nẵng có cách làm riêng là chuẩn bị nhà tạm, nhà liền kề, chung cư để di dân ngay nhằm GPMB. Nhờ vậy việc GPMB các dự án ở Đà Nẵng luôn diễn ra khá nhanh. Bên cạnh đó, TP thường xuyên tổ chức tiếp dân ngay tại các dự án (ngoài việc tiếp dân định kỳ 2 lần/tháng của Chủ tịch UBND TP) để giải đáp các thắc mắc, nhanh chóng giải quyết các vướng mắc đặt ra, phân tích cái thiệt trước mắt và cái lợi lâu dài để nhân dân hiểu và đồng thuận.
"Việc tiếp dân tại các dự án là chuyện thường xuyên, có nhiều mức độ. Ở mức độ người dân không hiểu thì Ban đền bù giải toả giải thích, có kiện tụng một chút ở mức độ nhẹ thì giao cho Chủ tịch các quận, huyện tiếp dân và cuối cùng là hàng tháng lãnh đạo TP trực tiếp xuống công trường, họp ngay tại các dự án và tiếp dân tại đó để xem dân thắc mắc những vấn đề gì.
Có khi 10 hộ là 10 hoàn cảnh khác nhau, không ai giống ai. Mặc dù có diện tích giống nhau, mức đền bù giống nhau nhưng hoàn cảnh của họ rất khác nhau. Có gia đình có tới mấy bà mẹ Việt Nam anh hùng, có gia đình đông con, có gia đình liệt sĩ, thương binh nặng... Với mỗi hoàn cảnh như vậy, mình tiếp dân là giải quyết ngay. Ở BQL dự án họ chỉ làm theo đúng nguyên tắc, phải lãnh đạo TP trực tiếp xuống tiếp dân như thế thì mới giải quyết được nhiều vấn đề!" - ông Văn Hữu Chiến nhấn mạnh.