Chủ tịch Bình Thuận: Đền bù 1000 tỷ đồng, nên dừng hẳn đầu tư Cảng Kê Gà
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ông Lê Tiến Phương |
Cảng Kê Gà gây lãng phí lớn
Dự án cảng biển Kê Gà có tổng giá trị trên 20.000 tỷ đồng, do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) là chủ đầu tư, gồm các hạng mục: các bến xuất, bến nhập hàng hóa và bến bốc dỡ xuất khẩu alumin. Cảng dài khoảng 2,3 km với tổng diện tích 366 ha.
Theo Bộ Công Thương, việc quy hoạch vận tải ngoài, trong đó có cảng Kê Gà là nhằm phục vụ việc vận chuyển và tiêu thụ alumin. Để thuyết phục duyệt cho đầu tư các dự án khai thác bauxite, Vinacomin (trước đây là TKV) cũng đã “vẽ” ra phương án vận chuyển, xuất khẩu một cách thuyết phục. Đó là hệ thống đường sắt từ Tây Nguyên đổ xuống Bình Thuận, là cảng biển Kê Gà chỉ để phục vụ vận chuyển, xuất khẩu alumin và chở nguyên liệu (than, xút rắn, dầu…), thậm chí còn có phương án lấy nước từ Bình Thuận lên để xử lý bùn đỏ.
Bình Thuận đề xuất nên dừng hẳn dự án xây dựng Cảng Kê Gà |
Tuy nhiên, việc triển khai dự án Cảng Kê Gà đã không đem lại hiệu quả kinh tế cho địa phương như dự tính ban đầu, thậm chí còn khiến 12 dự án đầu tư vào du lịch tại tỉnh Bình Thuận phải hủy bỏ. Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh “đổ tiền” đầu tư để đón đầu dự án cảng biển này nay đã đành phải bỏ cuộc vì không nhìn thấy tiềm năng đầu tư.
Trước tình hình khó khăn trong triển khai dự án, Chính phủ đã có quyết định tạm dừng xây dựng Cảng Kê Gà. Tuy vậy, dù đã có ý kiến tạm dừng triển khai dự án nhưng hơn một năm nay tỉnh Bình Thuận vẫn chưa triển khai được. Khó khăn ở chỗ, theo Chủ tịch UBND Bình Thuận Lê Tiến Phương, do triển khai cảng Kê Gà khiến 12 dự án du lịch phải tạm dừng. Khi tạm dừng thì phải giao lại đất cho nhà đầu tư làm du lịch. Điều này gây lãng phí số tiền lớn cho tỉnh nếu thu lại đất. Hơn nữa, việc bồi thường thiệt hại cho số dự án du lịch buộc phải tạm dừng lên tới 1.000 tỷ đồng.
Xuất phát từ tình hình thực tế của Bình Thuận, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Phương đề xuất, thay vì tạm dừng thì nên dừng hẳn triển khai xây dựng Cảng Kê Gà.
“Chính phủ đã chỉ đạo và giao việc này cho các bộ nhưng hiện vẫn chưa rõ quyết định thế nào. Càng kéo dài thời gian thì càng gây tốn kém và khó khăn cho tỉnh. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và sớm có ý kiến cuối cùng về dự án này”- ông Phương nói.
Trước đề xuất của tỉnh Bình Thuận, nêu ý kiến của Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho biết, đề án quy hoạch mới về phát triển alumin vừa qua đã được Chính phủ trình lên Bộ Chính trị nhưng vẫn chưa nhận được thông qua, nên tính toán về vị trí xây dựng Cảng Kê Gà. “Chính phủ sẽ sớm có quyết định cuối cùng về dự án Cảng Kê Gà” – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định.
14/16 chỉ tiêu tăng trưởng hoàn thành
Về mục tiêu phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Chủ tịch tỉnh Bình Thuận thông tin thêm, năm 2013 tăng trưởng của tỉnh đạt 8,6%. Có 14/16 chỉ tiêu đạt và vượt, một chỉ tiêu sắp đạt và một chỉ tiêu chưa đạt.
Trong 2013 tình hình của tỉnh tiếp tục ổn định, phát triển tích cực, giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ du lịch, thu ngân sách đều tăng so với cùng kỳ. Bình Thuận cũng đã thu hồi một số dự án, cấp giấy phép cho trên 30 dự án mới đầu tư tại tỉnh. Tuy nhiên, tăng trưởng của tỉnh vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, nhiều DN hoạt động khó khăn, triển khai dự án đầu tư còn chậm...
Lý giải về sự chậm trễ trong triển khai dự án đầu tư, ông Phương cho rằng, ngoài nguyên nhân năng lực nhà đầu tư, còn có nguyên nhân là do giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch gặp nhiều khó khăn.
“Sau hội nghị của Chính phủ, chúng tôi sẽ căn cứ vào chỉ đạo chung và tình hình thực tế Bình Thuận sẽ đề ra một số biện pháp để giải quyết khó khăn, tồn tại”- Chủ tịch Bình Thuận nói.