Chủ nhiệm VPQH: Mong cử tri thông cảm ĐB vắng họp vì kiêm nhiệm
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm trước phản ánh của báo chí về chuyện ĐBQH vắng mặt quá nhiều tại một số phiên họp thảo luận tại tổ, hội trường.
Chiều 28/11 Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.
Chia sẻ trước băn khoăn của báo chí, tại một số phiên họp ở tổ, hội trường số lượng ĐBQH vắng khá đông, có phiên họp tới 25% ĐB vắng mặt; hay như nhiều phiên họp tổ chỉ có 8/24 ĐB có mặt họp tổ…. Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, các ĐBQH đã rất cố gắng khi kỳ họp diễn ra trong thời gian dài và phải kiêm nhiệm nhiều việc.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại họp báo bế mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII chiều 28/11 |
Ông Phúc giải thích, Quốc hội hiện chỉ có 25% là ĐBQH chuyên trách, có tới 1/3 ĐB kiêm nhiệm, việc phân bổ hài hòa, hợp lý giữa công việc riêng của ĐB tại địa phương và tham dự các phiên họp của Quốc hội là khá khó khăn, ĐBQH đã hết sức cố gắng. Tuy nhiên, cũng có những lý do bất khả kháng nên khó tránh khỏi việc ĐB vắng họp.
“Chưa bao giờ kỳ họp lại có khối lượng công việc lớn như kỳ này. Kỳ họp này tương đối nặng, các ĐB đã rất cố gắng để duy trì. Có thể cử tri nhìn thấy trên hội trường một số kỳ vắng thì không hài lòng, nhưng cũng nên thông cảm với ĐB vì phải kiêm nhiệm”- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.
Về cải tiến cách thức tiến hành hình thức, thời gian và nội dung các kỳ họp của Quốc hội để ĐB tham gia đầy đủ hơn, ông Phúc cho biết cũng có ý kiến đề xuất như nên ngắt đôi kỳ họp thành 2 phần, họp 15 ngày rồi nghỉ 15 ngày lại họp tiếp…. Nhưng sau khi tính toán thì thấy các phương án đề xuất không hợp lý vì như thế kỳ họp sẽ không được tiến hành liên tục và chi phí bị đội lên rất cao, nên không thể tiếp thu ý kiến này.
Liên quan tới kết quả biểu quyết Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm, ông Phúc phân trần, trong quá trình thảo luận cũng còn nhiều ý kiến khác nhau của các ĐBQH về mức lấy phiếu. Có ý kiến cho là chỉ nên lấy 2 mức tín nhiệm, nhưng cũng có ý kiến đồng ý lấy 3 mức tín nhiệm. Tuy vậy, kết quả trên 81,49% ĐBQH biểu quyết thông qua Nghị quyết 35 đồng tình với phương án dự thảo Nghị Quyết là kết quả cuối cùng thể hiện quan điểm của ĐBQH.
Việc lấy phiếu tín nhiệm 1 hay 2 mức thì trong quá trình trao đổi chúng ta đã nói nhiều rồi. Chúng ta xác định việc lấy phiếu tín nhiệm là thực hiện chủ trương của Đảng theo Nghị quyết trung ương 4, Đảng muốn thăm dò tín nhiệm đối với 50 chức danh mà Bộ Chính trị quản lý, xem độ tín nhiệm của Quốc hội cụ thể ra sao để làm cơ sở bổ nhiệm, điều động, luân chuyển một số đồng chí. Kết quả này cũng giúp chúng ta bổ sung lực lượng cán bộ trong quy hoạch, chuẩn bị cho nhiệm kỳ Đại hội tới của Đảng ….
“Sau khi phân tích, trao đổi thì các ĐB đều đồng thuận với quan điểm trên. Còn khi về tiếp xúc cử tri thì cũng sẽ giải thích cho cử tri hiểu vì sao chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần trong suốt nhiệm kỳ và có 3 mức lấy phiếu tín nhiệm. Tôi tin là cử tri sẽ rất chia sẻ, thông cảm và hiểu thôi” – ông Nguyễn Hạnh Phúc tự tin.
Riêng đối với các trường hợp liên tiếp 2 lần có tỷ lệ tín nhiệm thấp cao, ông Phúc tin vị Bộ trưởng, trưởng ngành này sẽ rút kinh nghiệm để tốt hơn. Việc luân chuyển hay không với các đối tượng này, theo ông Phúc, là thuộc thẩm quyền của cơ quan Đảng.
Trả lời câu hỏi của báo chí, liệu có nên xem xét tư cách của ĐB Hoàng Hữu Phước (TP.HCM) hay không khi ĐB này đã có 2 lần “xung đột” với các ĐBQH khác, ông Phúc cho rằng, đây là sự việc xảy ra trong nội bộ đoàn TP.HCM. Đoàn đã họp và rút kinh nghiệm, các ĐB cũng đã trao đổi lại với nhau, tự giải quyết với nhau, chưa tới mức phải đưa ra Quốc hội đánh giá.