Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Vẫn đang điều tra vụ sập cầu treo!
Vụ sập cầu treo ở Lai Châu đã làm hàng chục người chết, nhiều người khác bị thương |
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến vụ sập cầu treo ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 28/2, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Văn Nên cho biết: "Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hỏi rất cặn kẽ vấn đề này".
Nói về nguyên nhân xảy ra sự cố, Bộ trưởng Nên nói, ngay tại cuộc họp Chính phủ, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã giải thích do quá trình thi công, thay vì phải dùng ốc họ lại dùng phương án hàn. Còn quy trình xây dựng cây cầu, cơ quan thiết kế, thẩm định, thi công đã được làm khá rõ.
“Bằng mọi giá phải đảm bảo cho người dân đi lại một cách an toàn. Vụ việc này cũng đang điều tra ráo riết để có được kết luận, từ đó đưa ra hướng khắc phục” – Bộ trưởng Nên cho hay.
Trước đó Bộ GTVT đã thông tin ban đầu về nguyên nhân gây sập cầu treo ở tỉnh Lai Châu. Báo cáo ban đầu cho thấy nguyên nhân trực tiếp gây sập cầu treo là do đứt ắc neo tăng đơ tại đầu neo cáp ở phía đầu cầu, gây mất khả năng chịu lực của cáp, dẫn đến sập cầu.
Cầu treo Chu Va 6 được xây dựng từ tháng 8/2012, và đến cuối năm 2012 thì cầu được đưa vào sử dụng. Dự án do UBND huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu làm chủ đầu tư, Ban QLDA huyện Tam Đường tư vấn giám sát.
Ngay sau khi sự cố sập cầu làm 8 người chết và hơn 30 người bị thương trong một đoàn người đi đưa tang, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có mặt tại hiện trường, sau đó đã thành lập đoàn kiểm tra để truy tìm sự cố dẫn đến sập cầu.
Đây là một trong những vụ tai nạn nghiêm trọng của ngành giao thông trong thời gian qua. Theo Bộ trưởng Thăng, dự án cầu treo Chu Va do huyện Tam Đường làm chủ đầu tư, đơn vị thi công, thiết kế cũng thuộc huyện Tam Đường quản lý.
Được biết, đơn vị thi công cầu Chu Va 6 là Doanh nghiệp tư nhân Minh Ký ở xã Thèn Sin, huyện Tam Đường. Đơn vị này cũng đã từng thi công một số cây cầu treo dân sinh khác trên địa bàn huyện Tam Đường.