Chính phủ đề nghị rút 2 dự án Luật ra khỏi chương trình năm 2019
Chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 tại phiên họp 33, khai mạc sáng 10/4.
Đề cập đến việc điều chỉnh chương trình năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, ngoài các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2019, Chính phủ tiếp tục đề nghị điều chỉnh đối với 10 dự án.
Phiên họp 33 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn). |
Trong đó, Chính phủ đề nghị rút ra khỏi chương trình 2 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai vì các dự án luật cần có thêm thời gian để nghiên cứu, hoàn thiện.
Đối với việc sửa Luật Đất đai, nội dung còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn, như các vấn đề: đất cơ sở tôn giáo; người nước ngoài mua nhà ở gắn liền với đất ở; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai; quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, kinh tế đất, tích tụ tập trung đất đai; căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng, nhà ở khách sạn…
Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành và định hướng sửa đổi Luật, trình Chính phủ sau năm 2020. Như vậy sau khi điều chỉnh, số lượng các dự án thuộc Chương trình năm 2019 sẽ là 26 dự án, tăng 9 dự án so với Nghị quyết số 57/2018/QH14.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Ủy ban Kinh tế tán thành với đề nghị của Chính phủ và cho rằng, trong trường hợp cần thiết, Chính phủ có thể trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm để xử lý những vấn đề cấp bách trong lĩnh vực đất đai. Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị nếu đưa dự án Luật này ra khỏi Chương trình thì cần giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết để xử lý các vấn đề bất cập, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng thời gian qua.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với việc đưa dự án Luật này ra khỏi Chương trình năm 2019; tuy nhiên, về lộ trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai vẫn còn có ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện dự án để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2020, khắc phục những tồn tại, bất cập, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong thực tiễn quản lý đất đai, bảo đảm sự thống nhất của các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai.
Loại ý kiến thứ hai, tán thành với Chính phủ về việc rút dự án Luật này ra khỏi Chương trình để tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Quốc hội sau năm 2020. Đối với những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn và một số chính sách mới cần thực hiện thí điểm, đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành nghị quyết trong năm 2019 để kịp thời xử lý, đồng thời, tạo cơ sở cho việc tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật.
Nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất và đề nghị Ủy ban Pháp luật xin báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường, Ủy ban Pháp luật thống nhất với Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với đề nghị của Chính phủ đưa dự án Luật này ra khỏi Chương trình để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện và cũng là để có thời gian đánh giá việc thực hiện Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 1/1/2019.
Theo đánh giá của Ủy ban Pháp luật, mặc dù đã có những đổi mới nhưng sự chuyển biến còn chậm, việc lập và thực hiện Chương trình vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Nhìn lại 3 năm qua cho thấy, tính dự báo của Chương trình không cao, chủ yếu vẫn chạy theo tiến độ, tính “gối đầu” thấp, thiếu tầm nhìn cho năm tiếp theo. Tình trạng xin lùi, rút hoặc bổ sung dự án vào Chương trình còn nhiều./