Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử
Đây là một nội dung trong Nghị quyết 119 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2018 vừa được ban hành ngày 9/9.
Cũng tại Nghị quyết 119, Chính phủ chỉ đạo Bộ TT&TT tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về công nghiệp CNTT và truyền thông; thúc đẩy ứng dụng, phát triển công nghệ và các doanh nghiệp công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế; đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng; quản lý các mạng xã hội theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ TT&TT cũng được yêu cầu phải chỉ đạo đẩy mạnh phát triển dịch vụ 4G, khẩn trương nghiên cứu quy hoạch tần số để sớm triển khai thử nghiệm công nghệ 5G; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần tiến tới một nền kinh tế số, xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Liên quan đến nhiệm vụ thúc đẩy tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử tại Việt Nam, trong phát biểu tại buổi làm việc với Bộ TT&TT vào sáng ngày 8/9 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã một lần nữa nhấn mạnh: trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần tiến tới một nền kinh tế số, xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển thương mại điện tử, xây dựng thành phố thông minh, áp dụng nhanh hơn, tốt hơn trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật (IoT), tự động hóa, robot, dữ liệu lớn… hiện đang làm thay đổi mô hình kinh doanh, phương thức hoạt động trên mọi lĩnh vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ TT&TT cần tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025, trong đó chú trọng hoàn thiện một số thể chế như cơ chế đầu tư mua sắm, thuê sản phẩm, dịch vụ CNTT; định danh điện tử cho tổ chức, cá nhân; khẩn trương xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, hướng tới Chính phủ số và dữ liệu mở tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…
Cũng tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Bộ TT&TT ngày 8/9, về đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo: Văn phòng Chính phủ và Bộ TT&TT là hai hạt nhân triển khai Chính phủ điện tử. Ở địa phương, Văn phòng UBND cấp tỉnh và Sở TT&TT là hai hạt nhân triển khai Chính quyền điện tử.
Theo TS.Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ, một trong những quan điểm chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025 là đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Trước đó, trong tham luận về “Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025” trình bày tại hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ XXII diễn ra cuối tháng 8/2018 tại Vĩnh Long, TS Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ (cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì triển khai xây dựng Chính phủ điện tử - PV) đã chia sẻ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam trong chặng đường sắp tới.
Cụ thể, theo ông Ngô Hải Phan, việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 sẽ được triển khai trên cơ sở các quan điểm: Kế thừa, phát triển các chương trình ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phù hợp với bối cảnh hiện nay và xu hướng phát triển của thế giới; Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp hành chính, tập trung xây dựng và phát triển thành công Chính phủ điện tử Việt Nam, trong đó có các chương trình quốc gia, chương trình mục tiêu, kế hoạch ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính, đổi mới lề lối phương thức làm việc với ứng dụng CNTT, xác định ứng dụng CNTT là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính và lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử.
Đồng thời, xây dựng Chính phủ điện tử theo hướng đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần đối với một loại dữ liệu...; xây dựng Chính phủ điện tử trên cơ sở thiết kế tổng thể, thực hiện tích hợp, chia sẻ dữ liệu, tạo ra các dịch vụ nền tảng dùng chung cho toàn hệ thống từ Trung ương đến địa phương và có sự đo lường, đánh giá chất lượng, hiệu quả thực hiện; bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng trong quá trình triển khai Chính phủ điện tử; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển Chính phủ điện tử; tranh thủ sự đồng thuận của người dân, toàn xã hội, chú trọng vào công tác truyền thông nâng cao nhận thức của toàn dân về lợi ích của việc xây dựng Chính phủ điện tử.
Người đứng đầu Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, mục tiêu xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam trong giai đoạn tới là hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.