Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979: Trên mặt trận Hoàng Liên Sơn
Trung đoàn pháo binh 168 Quân khu 2 chi viện cho mặt trận Hoàng Liên Sơn. |
Hoàng Liên Sơn là trọng điểm tiến công chính của quân Trung Quốc trên tuyến biên giới Tây Bắc. Tại đây địch huy động 8 sư đoàn bộ binh thuộc Quân đoàn 11, 13, 14 và 50 với 113 xe tăng thiết giáp của Trung đoàn xe tăng độc lập Quân khu Côn Minh, tổ chức tiến công quy mô lớn theo hai trục: Quân đoàn 14 từ Quang Kim (Bát Xát) đánh xuống Cam Đường, Bến Đền và Quân đoàn 13 từ Nà Lốc vào Bản Phiệt (Bảo Thắng) theo quốc lộ 70 đánh xuống Phong Hải, Phố Lu. Để hỗ trợ cho các hướng chính, đối phương còn cho các mũi vu hồi đánh vào Sa Pa, Mường Khương.
Ngay trong đêm 16 rạng 1721979, lợi dụng trời tối và sương mù, quân Trung Quốc đã bí mật bắc cầu phao cho một lực lượng lớn vượt biên giới, luồn sâu ém sẵn ở các khu vực Na Lốc, Lều Nương (bắc Bản Phiệt), bản Vược Duyên Hải (bờ nam sông Hồng phía tây bắc Thị xã Lào Cai), Mường Khương (Hoàng Liên Sơn), đồng thời triển khai đội hình chủ lực sáp sát biên giới Việt Nam.
6 giờ sáng 17/2/1979, sau khi cho pháo binh bắn chuẩn bị với mật độ cao, trên hướng chủ yếu quân Trung Quốc vượt Sông Hồng và tổ chức tấn công.
Các đơn vị của ta lúc đầu bị bất ngờ, bị động nhưng ngay sau đó đã kịp thời triển khai đội hình chiến đấu. Trung đoàn bộ binh 192, 254 bộ đội Hoàng Liên Sơn, Trung đoàn 16 công an vũ trang, Đồn biên phòng Vạn Hòa, Pha Long, Mường Khương, Nà Lốc, Nậm Chảy… cùng bộ đội địa phương huyện và dân quân tự vệ tổ chức đánh trả quyết liệt trên tất cả các hướng, trong khi pháo binh ta vừa chi viện bộ binh vừa phản pháo các trận địa hỏa lực ở Hà Khẩu và bắn phá các điểm vượt sông của địch.
Tuy nhiên nhờ có ưu thế vượt trội về binh hỏa lực, đến trưa 17/2 quân Trung Quốc đã chiếm các điểm cao ở phía bắc ngã ba Bản Phiệt, toàn bộ cánh đồng Quang Kim, Bản Qua, Bản Vược, Thị xã Lào Cai và Thị trấn Mường Khương, Bát Xát. Các đơn vị ta bị tổn thất phải lùi về phía sau tổ chức phòng ngự, tuy nhiên vẫn tiếp tục cho lực lượng bám đánh ngay cả ở những khu vực đối phương đã làm chủ và phải đến tận 21/2 quân Trung Quốc mới thực sự kiểm soát được Thị xã Lào Cai.
Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh Quân khu 2 ra lệnh cho Sư đoàn bộ binh 316 (thiếu Trung đoàn bộ binh 98) từ Bình Lư, Phong Thổ (Lai Châu) cơ động lên tổ chức trận địa phòng ngự ở khu vực Sa Pa từ ngày 19/2. Đồng thời, Sư đoàn 345 ở Bảo Thắng nhanh chóng đưa Trung đoàn bộ binh 124 vào xây dựng tuyến phòng thủ ở khu vực nông trường Phong Hải (cây số 18 trên quốc lộ 70).
Ngày 19/2, Sư đoàn 39 Quân đoàn 13 địch tiếp tục tiến công chiếm ngã ba Bản Phiệt, dãy Nhạc Sơn và cây số 4 Kim Tân. Ở phía hữu ngạn sông Hồng đối phương chiếm khu vực Đá Đinh, Mỏ a-pa-tít Cam Đường. Trên hướng Mường Khương, sau khi Sư đoàn 41 Quân đoàn 14 địch chiếm thị trấn, quân Trung Quốc theo đường 4D phát triển xuống khu vực nông trường Thanh Bình.
Ngày 22/2, trên hướng từ Lào Cai đi Bảo Thắng, Sư đoàn 37 và 38 Quân đoàn 13 Trung Quốc bắt đầu tiến công các trận địa phòng ngự của Sư đoàn 345.
Ngày 24/2, trên hướng SaPa, phía Trung Quốc tung Sư đoàn 149 Quân đoàn 50 là lực lượng dự bị tổ chức một bộ phận luồn lách từ khu vực Quang Kim lên Bản Khoang rồi đánh lên Ô Quý Hồ (cây số 8 trên Đường 4D Sa Pa đi Bình Lư (Lai Châu), một bộ phận khác tiến công từ Cốc San lên Cầu Đôi để phối hợp với mũi vu hồi Ô Quý Hồ đánh chiếm Sa Pa.
Lực lượng vũ trang Lai Châu chiến đấu |
Trên tất cả các trục tiến công của đối phương, lực lượng vũ trang ta đã dũng cảm chiến đấu tuy nhiên do tương quan quá chênh lệch nên không thể cản được đà phát triển của chúng, phải vừa đánh vừa rút lui để bảo toàn lực lượng. Ngày 25/2, địch chiếm được Thị xã Cam Đường (cách thị xã Lào Cai 10km). Ngày 3/3, địch chiếm Thị trấn Sa Pa (cách Thị xã Lào Cai 38km) và tiếp tục đánh về Bình Lư. Đến ngày 4 và 5-3 quân Trung Quốc đã tiến xuống cây số 36 trên quốc lộ 70, chiếm được Phố Lu (cách Thị xã Lào Cai 32km), Bến Đền. Ngày 5/3, nhà cầm quyền Bắc Kinh tuyên bố rút quân. Từ ngày 6/3 trên hướng này quân Trung Quốc bắt đầu tổ chức rút về bên kia biên giới và hoàn tất vào 13/3/1979.
Theo công bố chính thức của phía Việt Nam, các lực lượng vũ trang và nhân dân trên mặt trận Hoàng Liên Sơn từ ngày 17/2 đến 18/3/1979 đã loại khỏi vòng chiến 11.500 quân Trung Quốc, đánh thiệt hại nặng 4 tiểu đoàn địch, phá hủy 66 xe tăng, thiết giáp và 189 xe quân sự. 12 cá nhân và 6 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.