Chỉ nên bảo hiểm tiền gửi cá nhân và đồng nội tệ?
Chỉ nên bảo hiểm tiền gửi cá nhân và đồng nội tệ?
...Vì, mục tiêu lớn nhất của Bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ số đông người dân không có điều kiện tham gia sản xuất – kinh doanh, không có điều kiện tiếp cận thông tin" ông Giàu nhận định.
Theo Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi: Luật Bảo hiểm tiền gửi được xây dựng sẽ hoàn thiện hơn nữa các quy định về nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi; nâng cao giá trị pháp lý của các quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và bảo đảm cho các quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi được điều chỉnh bằng văn bản luật. Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm tiền gửi sẽ xác định rõ vị trí của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nhằm tránh chồng chéo nhiệm vụ với các cơ quan khác; xác định rõ cơ quan quản lý nhà nước và nội dung quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi để hoạt động bảo hiểm tiền gửi đạt hiệu quả cao hơn.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, nhiều Luật có liên quan đến hoạt động tiền tệ, ngân hàng, bảo hiểm tiền gửi đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, ví dụ như Luật Ngân hàng Nhà nước 2010, Luật Các tổ chức tín dụng 2010, Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Đầu tư 2005, Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010…. Việc xây dựng Luật Bảo hiểm tiền gửi là một yêu cầu khách quan nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Như vậy, việc ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi là cần thiết nhằm nâng cao giá trị pháp lý của pháp luật bảo hiểm tiền gửi, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu cho biết: “Ủy Ban kinh tế thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi và đồng ý với quy định của dự thảo Luật, chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân, không bảo hiểm tiền gửi của tổ chức. Vì, mục tiêu lớn nhất của Bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ số đông người dân không có điều kiện tham gia sản xuất – kinh doanh, không có điều kiện tiếp cận thông tin. Đối với tiền gửi của doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng thì đây là một phần trong hoạt động luân chuyển vốn thường xuyên, được quản lý chặt chẽ bởi chế độ quản lý doanh nghiệp nên không thể có vấn đề thiếu thông tin về tổ chức tín dụng mà doanh nghiệp gửi tiền.
Về việc Dự án Luật quy định “tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam” có hai luồng ý kiến đồng tình và không đồng tình.
Theo Chủ nhiệm UB Tài chính, ngân sách Phùng Quốc Hiển: Việc không bảo hiểm đối với ngoại tệ là chưa hợp lý. Ông Hiển đặt vấn đề người lao động làm việc cho các tổ chức nước ngoài, được trả tiền bằng ngoại tệ và như vậy là họ không được bảo vệ là bất bình đẳng. Việc bảo vệ đồng nội tệ, chống đô la hóa là nhiệm vụ của ngân hàng chứ không thể là trách nhiệm cá nhân gửi tiền.
Tuy nhiên nhiều ĐB cho rằng chỉ bảo hiểm tiền gửi là đồng Việt Nam để tránh tình trạng đô-la hóa và phù hợp với tình hình thực tế nay của Việt Nam. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết thêm, các nước khác trên thế giới cũng chỉ bảo hiểm cho các khoản tiền gửi bằng đồng nội tệ.
Dự kiến, trong kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIII tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến về Dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi gồm 7 chương, 47 điều.
Vũ Chương