Chị công nhân nhặt vàng được hưởng hơn một nửa
Ngày 31-8, Công an TP Cà Mau cho biết đã thống nhất xử lý 5 lượng vàng mà chị Phạm Tuyết Mai nhặt được theo Điều 241 BLDS. Cụ thể, chị Mai sẽ nhận 10 tháng lương tối thiểu (tương đương 27 triệu đồng) cộng với 50% của phần vàng còn lại sau khi trừ đi 10 tháng lương tối thiểu (tương đương 41 triệu đồng). Tổng cộng, số tiền chị Mai nhận được khoảng 68 triệu đồng. Số tiền còn lại (5 lượng vàng trừ 10 tháng lương tối thiểu rồi chia 2, tức 41 triệu đồng) sẽ sung công quỹ nhà nước.
Trước đó, lãnh đạo Nhà máy rác Cà Mau có văn bản đề nghị Công an TP Cà Mau toàn quyền xử lý số vàng nhặt được theo quy định của pháp luật.
Không biết gặp may hay rủi
Chị Mai (35 tuổi, thường trú xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) là công nhân Nhà máy rác Cà Mau. Cuộc sống gia đình chị tạm ổn định trong nhiều năm liền cho đến khi… chị nhặt được gần 5 lượng vàng trong rác.
Hôm đó là ngày 4-8-2014, lúc 3 giờ chiều. Trong lúc đang phân loại rác tại một dây chuyền trong nhà máy, chị Mai bất ngờ phát hiện một cái ví mục nát, chị cầm lên nghe nặng tay. Chị nghi trong đó “có gì” nên để cái ví này qua một bên. Lúc sau, khi được giải lao, chị mở ra xem thì bất ngờ phát hiện có nhiều vàng gồm dây chuyền, nhẫn (sau này giám định được gần 2 chỉ vàng 24K và 47 chỉ vàng 18K, tức gần 5 lượng vàng). Ngoài vàng, trong ví còn có một số giấy tờ nhưng đã mục nát, không còn nhận ra tên người nữa.
Nhà nghèo gặp của, chị Mai mừng rỡ hô lên rồi bỏ vàng vào túi.
Tuy nhiên, khoảng 30 phút sau, bảo vệ nhà máy đến mời chị lên văn phòng và đề nghị đưa lại số vàng. Chị không đồng ý nên xảy ra đôi co. Sau đó, công an phường đến làm việc và cuối cùng số vàng trên được giao cho Công an TP Cà Mau tạm giữ. Công an thông báo trên báo Cà Mau để ai mất đến nhận lại.
Theo thông báo của Công an TP Cà Mau, nếu sau 30 ngày không ai nhận thì sẽ xử lý số vàng trên. Chị Mai ôm tờ báo chờ hết 30 ngày đến Công an TP Cà Mau xin nhận lại vàng. Tuy nhiên, chị đi lại nhiều lần mà không được gì.
Chị Phạm Tuyết Mai (phải) đang kể lại chuyện nhặt được vàng. Ảnh: TRẦN VŨ |
Chị Mai kể: “Do nghèo khó nên số vàng trên với tôi là tài sản khá lớn. Tôi mất ăn, mất ngủ, đi tới lui nhiều lần, tốn kém và tổn sức quá nhiều. Hơn thế nữa, vì cái vụ lượm vàng này mà tôi mất luôn việc làm. Hôm đó, sau khi tôi quyết liệt cự lại ban lãnh đạo nhà máy thì bị đề nghị đình chỉ công việc. Sau đó, tôi bị chấm dứt hợp đồng lao động luôn”.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Tân (Giám đốc Nhà máy rác Cà Mau) khẳng định chị Mai bị sa thải vì đã tự ý bỏ việc nhiều ngày liền, vi phạm hợp đồng lao động.
Phút chót lại xuất hiện người thứ ba!
Về số vàng, Giám đốc Nhà máy rác Cà Mau Nguyễn Tiến Tân khẳng định quan điểm của ông thì đây là tài sản của đơn vị mình. Tuy nhiên, nhà máy đã đề nghị Công an TP Cà Mau xử lý theo pháp luật như công văn đã gửi trước đó.
Chiều 31-8, Đại tá Nguyễn Quang Khởi, Trưởng Công an TP Cà Mau, đã chỉ đạo cho Đại úy Nguyễn Thu Thủy, cán bộ thụ lý vụ việc, cung cấp thông tin cho chúng tôi. Theo đó, Đại úy Thủy xác định mẩu thông báo trên báo Cà Mau về số vàng nhặt được để “sau 30 ngày nếu chủ sở hữu không đến nhận thì cơ quan chức năng sẽ xử lý số vàng trên” là do nhầm lẫn. Bởi theo đúng luật thì thời hạn trên phải là một năm.
Công an TP Cà Mau đã chờ đúng một năm không có người nhận mới tiếp tục các bước xử lý tiếp theo. Theo Đại úy Thủy, ngày 27-8, Nhà máy rác Cà Mau có công văn đề nghị Công an TP Cà Mau toàn quyền xử lý số vàng trên với các gợi ý: Sung công quỹ nhà nước, cho các tổ chức từ thiện xã hội hoặc trả cho người nhặt.
Đại úy Thủy thông tin Công an TP Cà Mau đã thống nhất hướng xử lý như đã nói trên. “Tuy nhiên, hôm nay (tức 31-8) vừa xuất hiện một cuộc điện thoại nói rằng họ là chủ số vàng. Chúng tôi sẽ xác minh thông tin này trước khi xử lý số vàng trên” - Đại úy Thủy cho biết.
“Nhưng thời hạn một năm theo quy định đã hết rồi mà, thưa ông?” - PV hỏi. Đại úy Thủy: “Cũng phải xác minh xem sự thật như thế nào. Vì có khi người ta không đọc được báo mà chúng tôi đã thông tin”.
Giao hết số vàng cho chị Mai là hợp lý, hợp tình
Lẽ ra Công an TP Cà Mau nên áp dụng khoản 2 Điều 239 BLDS (xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu) để trả lại toàn bộ số vàng cho chị Mai. Bởi số vàng (trong ví) này dù có thể do người khác vô ý bỏ quên hoặc đánh rơi nhưng chị Mai không nhặt được trên đường hay nơi công cộng (để mà áp dụng Điều 241 BLDS về xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên). Chị Mai tình cờ phát hiện số vàng này trong rác, tức số vàng này khi đó đã trở thành vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu. Vì vậy, áp dụng Điều 239 để giao trả toàn bộ số vàng này cho chị Mai là điều vừa hợp lý vừa hợp tình.
Luật sư NGUYỄN TOÀN THIỆN, Chủ nhiệm
Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận
Gần giống vụ chị Hồng ve chai nhặt 5 triệu yen Nhật
Vụ việc của chị Mai ở Cà Mau cũng tương tự như vụ chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (36 tuổi, quê Quảng Ngãi) mà báo chí từng gọi là “tỉ phú ve chai”, phát hiện 5 triệu yen Nhật trong chiếc loa thùng cũ mà chị mua ve chai. Vụ này cũng từng gây ra tranh cãi pháp lý, rằng nên áp dụng Điều 239 BLDS để trả hết cho chị Hồng toàn bộ số tiền nhặt được hay áp dụng Điều 241 BLDS để cho chị hưởng hơn một nửa (như cách Công an TP Cà Mau áp dụng đối với chị Mai).
Tuy nhiên, cuối cùng ngày 2-6, Công an quận Tân Bình (TP.HCM) đã áp dụng khoản 2 Điều 239 BLDS (trường hợp vật không xác định được chủ sở hữu) để trả toàn bộ số tiền cho chị Hồng. Cách xử lý này đã được dư luận hết sức đồng tình.
Theo Trần Vũ - T.Tùng/Pháp luật TP.HCM