Chỉ còn chưa đầy 1 năm cho sự ra đời Cộng đồng ASEAN
Một thị trường chung rộng mở
Cộng đồng ASEAN được lãnh đạo cấp cao 10 nước thống nhất sẽ chính thức hình thành từ ngày 31/12/2015 trên cơ sở 3 trụ cột chính: An ninh Chính trị; Kinh tế và Văn hóa xã hội, với một thị trường 600 triệu dân và GDP hơn 3.000 tỷ USD. Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) – hình thành, quyền lợi của 10 nước thành viên là: Tự do lưu chuyển hàng hóa (Cắt giảm thuế quan và tạo thuận lợi cho thương mại; Thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do); Tự do lưu chuyển dịch vụ (Tự do hóa thương mại dịch vụ); Tự do hóa luồng vốn đầu tư (Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN đem lại lợi ích lớn hơn cho nhà đầu tư); Tự do hóa lưu chuyển vốn (Thúc đẩy quá trình hội nhập tài chính); Tự do lưu chuyển lao động có tay nghề...
4 tiêu chí chính của AEC gồm: Một thị trường chung, một không gian sản xuất thống nhất; Trở thành khu vực kinh tế cạnh tranh; Các nền kinh tế phát triển một cách bình đẳng, công bằng; AEC có thể hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. Khi hình thành vào năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ ưu tiên những ngành hội nhập. Cụ thể, 12 ngành được ưu tiên trong giai đoạn 2015-2016 là Nông nghiệp, Y tế, Vận tải hàng không, Logistics, Ô tô, Sản phẩm sản xuất từ cao su, Điện tử, Dệt may, Ngư nghiệp, Du lịch, Gỗ/ các sản phẩm gỗ và CNTT-TT (Chính phủ điện tử e-ASEAN/ICT).
Theo ông Hoàng Văn Phương, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương): Hội nhập kinh tế quốc tế có 5 cấp độ gồm: Thỏa thuận thương mại ưu đãi (PTA); Khu vực mậu dịch tự do (FTA); Liên minh thuế quan (CU); Thị trường chung ( hay Thị trường duy nhất) và Liên minh kinh tế, tiền tệ; Và cấp độ cuối cùng đang được nhiều diễn giả nói tới là Hội nhập toàn diện (kinh tế, quân sự và đối ngoại). Trên thế giới, hiện có 2 Cộng đồng được coi là có sự hội nhập cơ bản và toàn diện nhất là Liên minh Châu Âu (EU) với 28 thành viên và Cộng đồng ASEAN sẽ ra đời vào năm 2015 với 10 thành viên.
Về tiềm năng kinh tế, Cộng đồng kinh tế ASEAN có quy mô đứng thứ 3 khu vực châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Theo dự đoán của Ngân hàng UOB (Singapore), quy mô kinh tế của ASEAN sẽ vượt qua Nhật Bản vào năm 2025. Cụ thể, kinh tế ASEAN cũng có thể vượt mốc 4.000 tỷ USD vào năm 2020 và 9.000 tỷ USD vào năm 2030. Điều này có nghĩa, AEC sẽ vượt qua kinh tế Anh (năm 2014, Anh chính thức vượt qua Pháp trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới-PV) vào năm 2020 và Nhật Bản vào năm 2025.
20 năm Việt Nam gia nhập ASEAN
Ngày 28/7/1995, tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 28, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và trở thành thành viên thứ 7 của tổ chức này. Sau 20 năm hội nhập với khu vực, nền kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Quy mô thương mại giữa Việt Nam và các nước ASEAN đã không ngừng tăng trưởng với tốc độ ở mức 2 con số mỗi năm. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 4 nước đi sau (cùng với Lào, Campuchia và Myanma) so với nhóm ASEAN 6. Chính vì vậy, khi AEC hình thành, Việt Nam cần tích cực chủ động hội nhập để vươn lên nhóm đầu khu vực... Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ cuối năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trăn trở: "Các đồng chí xem, để đất nước thấp kém hơn Philippines, Thái Lan, Malaysia... 6 nước ASEAN, cứ lúc nào mình cũng thấp kém sao được. Chúng ta hoàn toàn có thể theo kịp họ. Không có lí do gì chúng ta không bằng được các nước ASEAN 6. Không có lí do gì chúng ta không cải thiện được để bằng họ".
Thực tế, năm 2014, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện rõ nét: Chỉ số "Bảo vệ nhà đầu tư" dự kiến tăng từ vị trí 157 lên vị trí 52; Chỉ số "Khởi sự kinh doanh" từ vị trí 109 lên vị trí 60; Chỉ số "Nộp thuế" từ vị trí 149 lên khoảng vị trí 134; Chỉ số "Tiếp cận điện" từ vị trí 115 lên vị trí 111; dự kiến xếp hạng tổng thể môi trường kinh doanh của Việt Nam lên thứ hạng 56. Tuy nhiên, là cửa ngõ ASEAN, Việt Nam cần phải làm gì để tận dụng tốt và chủ động hội nhập trên sân chơi khu vực. Bất cứ quốc gia nào tham gia hội nhập đều lấy lợi ích quốc gia trên hết. Sau 20 năm hội nhập ASEAN, Việt Nam đã có một vị thế mới nhưng vẫn còn nhiều thách thức khi AEC hình thành.
Với phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, Việt Nam luôn là một thành viên đóng góp quan trọng vào sự tăng cường đoàn kết trong ASEAN |
"Sau 2015, cơ bản hàng rào thuế quan trong khu vực được dỡ bỏ, nhưng các nước vẫn có quyền đánh thuế nội địa. Đặc biệt, quy định không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài thuộc khối. Đơn cử, tỷ lệ góp vốn nước ngoài vào doanh nghiệp trong nước sẽ được nâng lên tối đa là 70% thay vì 49% như hiện nay, sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam gia tăng áp lực cạnh tranh. Do đó, khi AEC hình thành cơ hội và thách thức là ngang nhau, điều quan trọng nhất vẫn là Việt Nam phải bứt lên thật nhanh để đuổi kịp khu vực và hội nhập với thế giới...", ông Hoàng Văn Phương nói.
Truyền thông đi trước một bước
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng: Với phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, Việt Nam luôn là một thành viên đóng góp quan trọng vào sự tăng cường đoàn kết trong ASEAN và thúc đẩy các mục tiêu chung của Cộng đồng. Trải qua 5 năm xây dựng tiến độ triển khai chung trên cả 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội của cả khối đã cơ bản gần hoàn tất. Riêng Việt Nam, năm 2015, truyền thông phải đi trước một bước và chủ động hội nhập với 5 ưu tiên:
1-Tích cực thúc đẩy hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, trong đó thực hiện các chương trình/kế hoạch về xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015, rà soát để điều chỉnh các quy định trong nước cho phù hợp với cam kết trong ASEAN, tăng cường công tác tuyên truyền về Cộng đồng ASEAN để người dân hiểu về ASEAN cũng như vai trò và vị thế của Việt Nam trong ASEAN.
2-Chủ động tham gia xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 và các Kế hoạch Tổng thể triển khai Tầm nhìn trên cả 3 trụ cột.
3-Tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực.
4-Góp phần thúc đẩy quan hệ đối ngoại của ASEAN, trong đó sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-EU (7/2012-7/2015); chuẩn bị và đảm nhiệm vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-Ấn Độ (7/2015-7/2018).
5-Tăng cường bộ máy và cơ chế phối hợp giữa các Bộ/ngành của Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN, chuẩn bị cho Cộng đồng ASEAN ra đời và giai đoạn phát triển sau đó.