Chỉ bỏ phiếu hai mức: tín nhiệm hay không tín nhiệm
Bỏ phiếu 49 vị trí chủ chốt
Thảo luận tại tổ về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm chiều 29/10, hầu hết các đại biểu Hà Nội có cùng quan điểm chỉ nên bỏ phiếu tín nhiệm đối với những vị trí chủ chốt, không nên bỏ phiếu quá dàn trải mang tính hình thức.
Theo đại biểu Bùi Thị An, bỏ phiếu tín nhiệm là việc làm cần thiết để thanh lọc những “con sâu, hạt sạn”, góp phần xây dựng một đội ngũ cán bộ trong sạch. “Bỏ phiếu tín nhiệm đã có Nghị quyết 11 năm năm nay, giờ đến lúc phải thực hiện để trả món nợ này cho nhân dân”, đại biểu An nói.
Đại biểu An cho rằng, đối tượng bỏ phiếu chỉ nên tập trung vào những chức danh liên quan đến tiền và quyền (dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực), nếu thực hiện dàn trải quá sẽ bị phân tán, không tập trung được. Trường hợp nếu phiếu tín nhiệm thấp dưới 50% thì nên vận động người đó từ chức. “Những vị trí nào không đạt yêu cầu thì nên từ chức. Chúng ta đừng sợ không có người đủ đức, đủ tài để thay thế” – đại biểu An nói.
Khẳng định bỏ phiếu tín nhiệm là việc làm quan trọng, cần thiết, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho rằng chỉ nên bỏ phiếu đối với 49 trường hợp, nếu triển khai rộng quá sẽ không tốt. Nhưng đại biểu Hường cũng tỏ ra băn khoăn đối với những người giữ cương vị nắm giữ hai vị trí. Chẳng hạn với Chủ tịch, hay Bí thư Tỉnh ủy giữ chức vụ trong Ủy ban Quốc hội, khả năng sẽ xảy ra trường hợp lấy phiếu ở ủy ban thấp, nhưng ở địa phương lại rất cao. Những trường hợp như thế có xử lý không, nếu có thì xử lý như thế nào?
Đại biểu Hà Nội kiến nghị chỉ bỏ phiếu tín nhiệm 49 vị trí chủ chốt. Ảnh LD |
Đồng tình với việc chỉ nên bỏ phiếu đối với 49 vị trí chủ chốt, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà cho rằng, các ủy ban có tổng cộng 380 người, nếu cũng bỏ phiếu sẽ rất nhiều. Những vị trí này chỉ cần đánh giá kết quả hoạt động là được.
“Chính thành viên ủy ban cũng không biết nhau, không biết có hoạt động tích cực không? Vậy xin hỏi thành viên ủy ban có nên đưa ra bỏ phiếu không?” – đại biểu Trịnh Ngọc Thạch nêu vấn đề.
Bỏ phiếu hàng năm hay hai năm?
Thời gian bỏ phiếu, các mức bỏ phiếu là hai vấn đề đang được đa số các đại biểu quan tâm và tranh luận.
Theo đại biểu Nguyễn Đức Chung, nếu việc bỏ phiếu được tiến hành hàng năm sẽ vô cùng rắc rối vì kỳ họp nào cũng phải bổ sung cán bộ. Vì thế trong một nhiệm kỳ Quốc hội chỉ nên bỏ phiếu một lần và thực hiện vào giữa nhiệm kỳ. “Nếu theo quy định này, mỗi năm một lần thì trong một năm tôi có ba lần bỏ phiếu tín nhiệm, đầu năm Quốc hội, giữa năm HĐND, cuối năm lại ở cơ quan. Có người thậm chí còn phải bỏ phiếu tín nhiệm bốn lần trong một năm. Như vậy sẽ rất rắc rối vì quanh năm chỉ tập trung vào kiểm điểm, bỏ phiếu”. Bên cạnh đó đại biểu Chung cũng kiến nghị chỉ nên bỏ phiếu ở hai mức: tín nhiệm hay không tín nhiệm, mức độ cao hay thấp sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ phiếu.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn cho rằng chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm ở hai mức tín nhiệm hay không tín nhiệm chứ không nên giữ bốn mức như trong dự thảo đề ra. Sau khi lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu nào quá thấp sẽ tiến hành bỏ phiếu miễn nhiệm. Theo đại biểu Sơn, không nên năm nào cũng lấy phiếu tín nhiệm, vì làm như vậy sẽ có kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm không có giá trị. Chẳng hạn như năm thứ 4 của nhiệm kỳ, khi phiếu tín nhiệm thấp thì sang năm mới bỏ phiếu miễn nhiệm. Nhưng đến sang năm thì người đó đã hết nhiệm kỳ rồi.
Ngược lại, không ít ý kiến đại biểu bảo vệ quan điểm phải lấy phiếu tín nhiệm hàng năm. Ủng hộ phương án này, đại biểu Nguyễn Quốc Bình cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp thứ nhất của nhiệm kỳ, vì thời điểm đó là một năm nhận công tác. Ngoài ra đại biểu này cũng kiến nghị chỉ nên gói gọn ở hai hình thức tín nhiệm hay không tín nhiệm.
Bên cạnh đó có đại biểu lại đưa kiến nghị thời gian lấy phiếu tín nhiệm nên thực hiện vào cuối năm và nếu được có thể tiến hành ngay trong kỳ họp này. Đại biểu Đào Văn Bình còn kiến nghị lấy phiếu nhận xét, đánh giá ở khu dân cư nơi đại biểu sinh sống. Theo đại biểu Bình, có trường hợp đại biểu tốt, nhưng vợ con vi phạm pháp luật cũng phải xem xét lại.
Ngoài ra có ý kiến còn cho rằng nên giao cho một đơn vị nào đó xây dựng một trang web để thăm dò ý kiến của nhân dân để làm căn cứ tham khảo.