Chỉ bỏ bản sao chứng thực sổ hộ khẩu đã tiết kiệm 450 tỷ đồng mỗi năm
Trong buổi toạ đàm trực tuyến về lộ trình thay đổi hình thức quản lý sổ hộ khẩu ở Hà Nội vào chiều 15/11, ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) cho rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý lĩnh vực này sẽ giúp bỏ được những thủ tục rườm rà, phiền hà cho công dân.
Ông Nguyễn Công Khanh thông tin với báo chí. |
Ngoài ra, ông Nguyễn Công Khanh cũng thông tin: “Khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thành, toàn bộ người dân có mã số định danh thì khi đi giải quyết các công việc liên quan sẽ không cần xuất trình sổ hộ khẩu. Chỉ tính riêng việc bỏ bản sao giấy chứng thực sổ hộ khẩu khi giải quyết thủ tục hành chính, một năm chúng ta sẽ tiết kiệm được 450 tỷ đồng".
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Công Khanh cũng chia sẻ: “Như chúng ta đã biết, ý thức được tầm quan trọng của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đặc biệt là mã hóa dữ liệu nhân thân của con người, ngay từ khi xây dựng dự thảo luật căn cước công dân cũng như luật hộ tịch, các cơ quan của Chính phủ, đặc biệt là Bộ Tư pháp và Bộ Công an phối hợp với nhau rất chặt chẽ trong quá trình xây dựng.
Vì thế hai luật này ngay từ khi được Quốc hội thông qua cùng thời điểm vào tháng 11/2014 và cùng thực hiện có hiệu lực từ ngày 1/12016 thì hai bộ phối hợp với nhau rất chặt chẽ trong việc đầu tiên là thí điểm để cấp số định danh cá nhân thông qua đăng ký khai sinh”.
Ông Nguyễn Công Khanh cho rằng việc kết nối tới cơ sở dữ liệu dân cư rất tiện lợi, tới đây sẽ đề nghị các bộ, ngành liên quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số tỉnh, thành phố có điều kiện yêu cầu cho sử dụng trước…
Có thể trực tiếp kết nối như vậy sẽ tiện lợi cho các cháu trong việc học hành và sẽ không phải cấp bản chính, bản sao giấy khai sinh, kể cả các cơ quan bảo hiểm cấp bảo hiểm cho trẻ em dưới sáu tuổi miễn phí thì cũng có thể trực tiếp kết nối để cấp bảo hiểm.
"Như vậy, trước mắt có thể thấy được với ngành, lĩnh vực, có thể trực tiếp có nhu cầu kết nối thì đã rất thuận lợi rồi. Qua đánh giá sơ bộ, chúng tôi thấy bước đầu có hiệu quả nhất định bằng việc quản lý hộ tịch điện tử. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, chúng tôi tiếp tục mở rộng thêm 10 tỉnh nữa. Tức là hết năm 2017, phấn đấu khoảng 28 tỉnh, thành phố sẽ sử dụng phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân” - ông Khanh cho biết.
Trung tướng Trần Văn Vệ tại buổi tọa đàm. |
Trung tướng Trần Văn Vệ - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cho biết: “Vào ngày 14/11, Bộ Công an đã triển khai trên toàn quốc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Sau khi triển khai, chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền, tập huấn cho cánbộ chuyên trách làm việc này, từ Bộ Công an đến công an các tỉnh, thành phố, xã, huyện, thị trấn… Sau khi tập huấn, chúng tôi sẽ tiến hành kê khai, thu thập.
Dự kiến năm 2017, khi được cấp đủ kinh phí 230 tỷ đồng, chúng tôi sẽ hoàn thành việc triển khai kê khai. Đến năm 2018, chúng tôi sẽ rà soát, cập nhật và cùng nhà thầu sẽ tổ chức lắp đặt mua sắm thiết bị phần mềm ứng dụng. Nếu được cấp đủ kinh phí, chúng tôi sẽ cố gắng trong năm 2019 – đầu 2020 hoàn thành dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.
Bên cạnh đó, Trung tướng Trần Văn Vệ cũng thông tin: "Trước kia, cấp căn cước thủ công một năm cả cấp mới, đổi, cấp tạm chứng minh nhân dân trên toàn quốc khoảng 8 triệu chứng minh nhân dân chỉ mất 5 tỷ đồng.
Nhưng khi chuyển sang kiểu mới, mới 16 tỉnh cấp 3 triệu chứng minh nhân dân một năm số kinh phí để mua phôi, mua nhựa, mua mực… mất khoảng 100 tỷ đồng. Đầu tiên, còn nhiều bỡ ngỡ nhưng sau một số chậm trễ chúng tôi đã khắc phục được và từ nay chúng tôi sẽ không còn chậm trễ. Chúng tôi đã chuẩn bị đủ dự trữ đến tháng 10/2018”.