Chánh VP UBND TP.HCM: Báo chí là cánh tay nối dài để đưa thông tin đến người dân
Ông Võ Văn Hoan trong một cuộc họp báo tại UBND TP.HCM. |
Cần coi báo chí như một người bạn
Ngày 1/6 tại TP.HCM đã diễn ra hội nghị hướng dẫn thực hiện Nghị định 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.
Chia sẻ tại đây, Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng, với quy mô dân số hơn 10 triệu người, chính quyền TP đã thực hiện tốt công tác này. Theo ông, TP đã chủ động thông tin tới báo chí nhiều vấn đền nóng để định hướng dư luận, từ đó người dân hiểu hơn, thấy được trách nhiệm của mình trong xây dựng TP.
Cụ thể TP đã ban hành quy chế phát ngôn, tổ chức họp báo định kỳ mỗi tháng 1 lần. Chính vì vậy hiện tại UBND TP có riêng phòng thông tin báo chí với khoảng 90 phóng viên đăng ký hoạt động.
Chánh văn phòng TP cho rằng các cơ quan nhà nước không nên ngại gặp gỡ báo chí, thậm chí cần coi báo chí như một người bạn nên gặp thường xuyên, bởi đây là cánh tay nối dài để đưa thông tin đến người dân.
"Từ đó chúng ta mới hiểu được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, cùng những băn khoăn vướng mắc của nhân dân. Nắm bắt được điều này chúng ta có những giải pháp khắc phục tốt hơn” – ông Hoan chia sẻ.
Khi xảy ra khủng hoảng đừng hứa cho qua chuyện
Nhận định tại đây, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Lê Văn Nghiêm cho rằng việc cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân. Tuy nhiên theo ông, thông tin cung cấp cho xã hội thời gian qua còn thiếu rất nhiều.
Ông Nghiêm dẫn ra nhiều ví dụ để chứng minh rằng việc thiếu thông tin đã gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế hay lớn hơn là những dự án gây thiệt hại hàng chục ngàn tỉ cũng có nguyên nhân một phần là do thiếu thông tin.
Đề cập đến phát ngôn của một quan chức Bộ Xây dựng về thất thoát trong các dự án, và phát ngôn của Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Vĩnh Phúc nói "Không lấy ý kiến nhân dân, vì dân có ai biết đâu mà lấy ý kiến?" (khi được phóng viên hỏi về dự án xây Văn Miếu trị giá 300 tỉ), ông Nghiêm cho rằng đó là các trả lời “rất phản cảm”.
Nhắc lại sự cố môi trường xảy ra tại khu vực biển miền Trung năm 2016, ông Lê Văn Nghiêm nhận định các địa phương này còn chậm cập nhật thông tin, vì đến nay trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan liên quan vẫn chưa có những thông báo cần thiết để người dân biết về chất lượng nước, hay cảnh báo về hoạt động đánh bắt hải sản.
Gần đây nhất là sự việc liên quan đến người nông dân nuôi heo. Theo Cục trưởng Nghiêm, cũng do thiếu thông tin định hướng về ngành chăn nuôi và thị trường tiêu thụ nên người nông dân đã ồ ạt tăng đàn để rồi cuối cùng không bán được, còn nhà nước phải lo “giải cứu”.
“Các vấn đề trên cho thấy vai trò của thông tin chính thống rất quan trọng, thông tin vừa để nhà nước quản lý cũng là để người dân, doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh” – ông Nghiêm nói, và cho biết nếu không được cung cấp đầy đủ sẽ rất dễ xảy ra khủng hoảng thông tin.
Sau đó ông đề cập đến cách thức giải quyết sự khủng hoảng này, trong đó nhấn mạnh rằng: “Các cơ quan liên quan không được đưa ra kết luận, báo cáo thiếu trung thực, đổ lỗi cho khách quan, hứa cho qua chuyện… Tuyệt đối không được phát ngôn tùy hứng, tùy tiện!”
Trả lời phỏng vấn sau đó, ông Lê Văn Nghiêm cho biết. Trong trường hợp các cơ quan không thực hiện quy định họp báo định kỳ, hoặc từ chối cung cấp thông tin cho báo chí thì dù nghị định không ghi rõ, nhưng chiếu theo các quy định khác lãnh đạo có thể bị kỷ luật nặng nhất ở hình chức “cách chức”.