Chánh án TAND TP: Một số thẩm phán ngại xét xử những vụ án phức tạp
Trình độ các thẩm phán chưa đồng đều
Nổi bật trong phần chất vấn của các đại biểu là những yêu cầu giải trình về tình trạng hủy án, tạm đình chỉ và án quá hạn. Đặng biệt là trong 6 tháng năm 2015 số lượng án được giải quyết rất ít.
Bà Ung Thị Xuân Hương trả lời chất vấn sáng nay. |
Trả lời những chất vấn này, bà Hương cho biết có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó nguyên nhân chủ quan (với những vụ án tạm đình chỉ, quá hạn) hầu hết là do án phức tạp, quy định pháp luật chưa rõ ràng, thậm chí còn nhiều điểm khác nhau nên thẩm phán ngại đưa ra xét xử.
Bên cạnh đó, cũng một phần là do áp lực của các điều kiện để được tái bổ nhiệm chức danh thẩm phán, vì theo quy định của TAND Tối cao, nếu tỷ lệ hủy án quá 1,6% sẽ không được bổ nhiệm lại.
Ngoài các lý do trên, bà Hương cũng thừa nhận một số thẩm phán chưa tận tâm, chưa làm hết trách nhiệm, trong khi trình độ chưa đồng đều.
“Lãnh đạo TAND TP và TAND quận – huyện cũng có đôi lúc chưa thật sự quyết liệt đưa ra các giải pháp, hay chế tài nghiêm khắc để xử lý thẩm phán có vi phạm về để án quá hạn do lỗi chủ quan. Những điều này đã ảnh hưởng tới chất lượng xét xử.”. – bà Hương nói.
Về nguyên nhân khách quan, vị Chánh án cho rằng đó là do đặc thù của tòa án: “Tháng 9 kết thúc thi đua, tháng 10 kiểm tra chéo, tháng 1 là tháng Tết nên chúng tôi không xét xử, vì có xử người dân cũng không đến vì sợ xui. Như vậy trong 6 tháng đã mất 3 tháng ảnh hưởng công việc". (6 tháng đầu năm của tòa án được tính từ 1/10/2014 đến 31/3/2015).
Cũng theo bà Hương, để hạn chế tình trạng này lãnh đạo tòa án TP đã yêu cầu từng thẩm phán phải báo cáo tiến độ các án quá hạn, đình chỉ do mình đang phục trách, cho dù có lý do khách quan hay chủ quan và cũng phải báo cáo cả tiến độ xét xử, những gì còn vướng mắc.
“Khi báo cáo phải được ra các kế hoạch xét xử, nếu không đạt được sẽ phải có chế tài và lấy đó làm tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đảng viên và công chức”– bà Hương nói.
Theo thống kê của bà Hương thì đến thời điểm này án tạm đình chỉ còn khoảng 2.000 vụ, án quá hạn còn hơn 1.000 vụ. "Tuy con số tuyệt đối thì thấy rằng lớn, nhưng nếu so với tổng số vụ án thụ lý thì chỉ chiếm thấp. Đây bức xúc của người dân, đại biểu cũng là trăn trở của TAND TP. Dân đã đường cùng mới phải kiện ra tòa, nhưng rồi tòa lại để đấy”. – bà Hương tiếp tục.
Tăng cường quản lý các thẩm phán bằng công nghệ thông tin (CNTT)
Cũng trong phần trả lời của mình, bà Hương còn cho biết hiện nay tòa đang tăng cường áp dụng CNTT vào quản lý, bởi nếu không áp dụng thì cũng không thể quản lý thủ công vì số lượng án thụ lý hàng năm quá lớn. Theo đó chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015 các cấp tòa đã thụ lý khoảng 40.000 vụ, chiếm khoảng 1/6 cả nước.
“Ngay như máy tính của tôi đây, chỉ cần bấm vào thẩm phán đó thôi là biết họ còn bao nhiêu án hủy, bao nhiêu án tạm đình chỉ, quá hạn. Nếu không nhớ thì đến hạn đó phần mền sẽ tự báo” – bà Hương cho biết.
Theo bà Hương, không chỉ có tòa TP mà đối với quận huyện cũng đang thực hiện kết nối chương trình này, để tiến tới Chánh án TAND TP hay quận – huyện đều quản lý được đến từng thẩm phán quận – huyện.
Tuy nhiên bà Hương cũng cho biết do không được dùng chung đường truyền internet mà phải có cáp riêng để đảm bảo bí mật, nên giải pháp này phải tới cuối năm 2015 mới thực hiện xong.