Chàng trai đánh giày đỗ đại học bây giờ ra sao?
10 năm rong ruổi vỉa hè
Nguyễn Văn Phúc là con út trong gia đình có 5 anh em ở miền quê Thanh Oai, Hà Nội. Bố mất năm Phúc học lớp 6. Kinh tế gia đình kiệt quệ, cậu phải vào thành phố làm nghề đánh giày để có tiền đi học.
Ban đầu, Phúc xin làm bốc vác cho xe khách để mỗi ngày được miễn phí chuyến xe từ nhà vào nội thành. Ít lâu sau, anh cùng 3 người bạn khác thuê một phòng trọ ở phố Ba La - Bông Đỏ, Hà Đông. Căn phòng chật hẹp đến mức “nếu nằm ngủ duỗi thẳng người thì kiểu gì chân cũng thò ra ngoài cửa”.
Không thỏa mãn với mức thu nhập thấp của nghề đánh giày, Phúc quyết nuôi ước mơ đỗ đại học. Để chuẩn bị cho kỳ thi, Phúc và nhóm bạn chuyển chỗ trọ đến gần trung tâm luyện thi trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Khoảng thời gian ôn thi vất vả nhất cũng là lúc bạn bè cùng phòng bị dụ dỗ vào một công ty đa cấp chuyên lừa đảo học sinh - sinh viên. “Thấy các bạn sáng đi hội thảo, tối đi chơi, mình vẫn kiên định với đống tài liệu ôn tập, cứ học thâu đêm rồi sáng lại vác đồ nghề ra phố đánh giày”.
Với mức thu nhập chẳng đủ ăn, anh vẫn dành ra một khoản tiền để theo học trung tâm luyện thi gần Đại học Sư phạm. Tại đây, Phúc gặp cô giáo dạy văn Nguyễn Nguyệt Hà. Ngay buổi học đầu, cô Hà đã biết được hoàn cảnh của Phúc và quan tâm đến anh như một người con. Tuy nhiên, anh nhất quyết từ chối lời đề nghị miễn phí tiền học từ “người mẹ thứ hai” của mình. Cô Hà nhận ra Phúc là chàng trai biết trân trọng sức lao động và có tư cách đạo đức tốt.
Sau một năm miệt mài ôn luyện, cuối cùng niềm vui cũng đến với Phúc khi anh nhận thông báo trúng tuyển khoa Báo mạng điện tử tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Phúc cho biết, ngày biết tin đỗ đại học, anh phải nhờ bạn bè lên mạng tra giúp điểm vì anh… không biết gõ dấu cho tên mình.
Bén duyên với nghiệp báo hình
Trở thành sinh viên trường Báo, Phúc bắt đầu cộng tác với nhiều báo lớn và tiếp tục đánh giày để trang trải cho cuộc sống sinh viên. Bạn bè ở trường khi biết chuyện của cậu đã dùng nickname “Phúc Búa” để gọi chàng trai cứng rắn, không ngại chông gai này.
Ngay từ năm nhất đại học, Phúc đã thích làm truyền hình hơn viết báo. Anh xin cộng tác với kênh dành cho thanh thiếu niên VTV6. Trong 3 năm đầu tiên, Phúc chỉ được làm những công việc lặt vặt cho các chương trình của đài. Tuy vậy, anh quan niệm phải luôn hoàn thành tốt mọi công việc được giao, từ những việc nhỏ nhất.
Dần dần, Phúc chứng minh được năng lực với các biên tập viên. Phúc được tham gia sản xuất một số chương trình như Sinh ra từ làng, Những đứa trẻ hay chuyện... Chàng sinh viên ngày nào “không gõ nổi dấu cho tên mình” nay có thể tự tin đảm trách việc chạy đồ họa cho các gameshow của VTV6. Với thái độ năng nổ và nhiệt huyết, anh được cơ quan cử đi Trường Sa, Điện Biên, Quảng Trị… để sản xuất nhiều tác phẩm lớn.
Nhắc đến cuộc sống hiện tại, Phúc vui vẻ kể về cô bạn gái người Hà Nội đã gắn bó với anh suốt 3 năm qua. "Mình không khéo ăn nói nhưng vẫn khiến cô ấy chú ý, càng yêu càng thấy nàng đảm đang tháo vát và rất giản dị" - anh nói.
Mới đây, Phúc đưa bạn gái về thăm gia đình. Anh dự định sẽ kết hôn khi ổn định chỗ ở và công việc.
Bạn gái gắn bó với Phúc từ thời sinh viên. Phúc chia sẻ, dù vị trí hiện tại của anh là ước mơ của nhiều sinh viên mới ra trường, anh vẫn luôn có những mục tiêu mới và sẽ không bao giờ ngừng phấn đấu trong lĩnh vực mà mình đam mê.
"Mình thường nghĩ trong đầu xem 5 năm, 10 năm nữa mình sẽ là ai, làm gì. Công việc mình yêu thích, đòi hỏi sự sáng tạo và tinh thần trách nhiệm, nó không dành cho những người dễ thỏa mãn với bản thân" - Phúc tâm sự.
Chàng biên tập viên của VTV6 cho biết, dãy phố Huỳnh Thúc Khánh chính là địa bàn quen thuộc của chàng trai đánh giày năm xưa. “Đến khi làm truyền hình có thu nhập ổn định, thi thoảng mình vẫn xách đồ ra vỉa hè đánh giày. Hành động này vừa để thỏa nỗi nhớ nghề, đồng thời cũng tự nhắc nhở bản thân không được quên một thời cơ cực”.
Theo GDTĐ