Chấm dứt vi phạm của tàu cá để gỡ 'thẻ vàng' cho thủy sản Việt
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT chiều nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến đến trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng trong việc đưa giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản trong thời gian tới.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng để phát triển ngành thủy sản. Năm 2018, tổng sản lượng thủy sản đạt 7,7 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 9 tỷ USD. 10 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu đạt 7,1 tỷ USD.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Nhiệm vụ đột phá là tái cơ cấu ngành thủy sản, chuyển mạnh sang nuôi trồng biển. (Ảnh: Minh Đạt) |
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận ngành thủy sản còn nhiều tồn tại, hạn chế và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có tình trạng đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước ngoài vẫn chưa dứt điểm.
Từ đó Phó Thủ tướng nêu một số nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ sẽ tập trung trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh đến việc tái cấu trúc ngành khai thác thủy sản, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường.
"Tái cơ cấu ngành thủy sản, chuyển mạnh sang nuôi trồng biển, coi đây là nhiệm vụ đột phá trong giai đoạn tới nhầm thúc đẩy tăng trưởng thủy sản, chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho người dân", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
7 địa phương có tàu cá vi phạm
Một trong những nội dung quan trọng mà Phó Thủ tướng nhấn mạnh là phải giải quyết dứt điểm tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về khai thác hải sản, đặc biệt là việc đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, sau khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” với Việt Nam, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo với các bộ, ngành và 28 địa phương ven biển triển khai các giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng vi phạm của tàu cá và ngư dân.
Tuy nhiên, tình trạng đánh bắt cá trái phép vẫn chưa chấm dứt; hiện vẫn còn 7 địa phương có tàu cá của ngư dân vi phạm, bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
Phó Thủ tướng cũng cảnh báo, đoàn công tác của EC sắp trở lại Việt Nam để kiểm tra, xem xét có gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam hoặc nâng mức cảnh báo “thẻ đỏ”.
"Nếu không được gỡ thẻ vàng, thậm chí bị nâng mức cảnh báo ‘thẻ đỏ’ sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu của thủy sản và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển của ngành thủy sản và nền kinh tế của Việt Nam và đời sống người dân", Phó Thủ tướng lưu ý.
Do đó, ông Dũng đề nghị các ĐBQH tại các địa phương, đặc biệt là 28 tỉnh, thành phố ven biển, hỗ trợ trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát ngư dân, cùng lãnh đạo các địa phương triển khai tốt các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị của EC, sớm gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam.