“Chấm điểm" chức danh do QH bầu, cần công khai "bảng điểm”
Theo ông Cuông, vấn đề này góp phần tạo điều kiện cho Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đẩy mạnh thêm một bước, cụ thể hóa và cho ra đời Nghị quyết 35 để lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là để thực thi Hiến pháp. Đây là kết quả rất được lòng dân, dư luận cử tri rất hoan nghênh ủng hộ và trông đợi vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm hay nói cách khác là đại biểu Quốc hội sẽ “chấm điểm” cho 49 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp thứ 5 sắp tới của Quốc hội.
Ông Lê Văn Cuông, Nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa khóa 12. |
Thưa ông, việc “chấm điểm” của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 sắp tới, cá nhân ông và cử tri kỳ vọng vào điều gì?
Cá nhân tôi, cũng như cử tri cả nước sẽ kỳ vọng và mong muốn tại kỳ họp tới của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội sẽ thể hiện được rõ nét hơn về vai trò trách nhiệm của mình thông qua lá phiếu trong việc lấy phiếu và bỏ phiếu. Cử tri mong muốn người đại biểu Quốc hội do mình bầu ra sẽ không làm thất vọng sự mong đợi của mình. Cử tri cũng kỳ vọng vào những người mà họ ủy quyền nói lên tiếng nói của họ và đánh giá khách quan công bằng về các vị trí mà Quốc hội đã bầu, phê chuẩn.
Việc “chấm điểm” tại kỳ họp này sẽ có bước chuyển như thế nào trong vai trò của Quốc hội thưa ông?
Theo tôi, từ kết quả của việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5 này sẽ tạo bước chuyển mới, đột phá trong suy nghĩ, ý thức, trong việc làm sắp tới để những người có “số điểm” thấp, không hoàn thành nhiệm vụ, không đạt được sự tín nhiệm trong thực tiễn thực hiện văn hóa từ chức. Những người có “điểm thấp” sẽ chủ động từ chức, chứ không phải chờ đến thời gian hết tuổi mới nghỉ hưu, hoặc chờ hết nhiệm kỳ mới thay được. Trong đợt lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm này nếu người nào giữ chức danh mà có số tín nhiệm thấp thì Quốc hội có thể thay, bãi miễn được.
Việc thay đổi nhân sự giữa nhiệm kỳ ở nước ta đã có tiền lệ chưa thưa ông?
Việc thay đổi nhân sự giữa nhiệm kỳ đối với các nước trên thế giới thì rất bình thường còn đối với Việt Nam thì chưa có tiền lệ. Thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm lần này Quốc hội sẽ thể hiện vai trò của mình trong việc xây dựng bộ máy nhà nước, lần này 49 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn sẽ được đưa ra “chấm điểm” công khai. Tuy nhiên cá nhân tôi và cử tri còn băn khoăn.
Ông băn khoăn về vấn đề gì?
Cá nhân tôi, cũng như cử tri băn khoăn, liệu trong tình hình hiện nay khi lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đại biểu Quốc hội không thể hiện đúng vai trò của mình, không tìm hiểu kỹ người mà mình bỏ phiếu tín nhiệm mà lại bỏ phiếu theo cảm tính, yêu, ghét sẽ không phản ánh đúng chất lượng, hiệu quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Cụ thể như thế nào thưa ông?
Ví dụ, những người thẳng thắn, trung thực, đức tính rất tốt, sống vì lý tưởng nhưng không làm vừa lòng anh thì anh không bỏ phiếu, ngược lại những người nằm trong nhóm lợi ích của anh, hay có sức ép nào đó hoặc vận động anh thì anh lại bỏ phiếu tín nhiệm như vậy lá phiếu sẽ không thể hiện đúng bản chất vấn đề. Những lá phiếu như vậy sẽ làm thất vọng sự mong đợi của cử tri.
Cử tri mong muốn Quốc hội là đại biểu của dân phải thể hiện rõ vai trò của mình bằng việc lấy phiếu, bỏ phiếu phải khách quan tạo niềm tin cho dân. Hiện một số cử tri cũng lo lắng trong việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm thông qua sự vận động, sức ép này khác để lá phiếu của đại biểu không được chuẩn xác. Về vấn đề này theo tôi Quốc hội cũng phải có những giải pháp ngăn chặn.
Để làm tốt việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm sắp tới theo ông cần phải tập trung vào những vấn đề gì?
Để thực hiện tốt Nghị quyết 35 của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội phải đứng lên vì cái chung của đất nước, sự tin tưởng của cử tri để tập trung cho nhiệm vụ lấy phiếu và bỏ phiếu sắp tới. Các đại biểu không vì những tác động khách quan, bên ngoài để thay đổi lập trường của mình hay “cuốn theo chiều gió” để lá phiếu của mình không khách quan chuẩn xác. Bên cạnh đó, các tổ chức liên quan của Quốc hội cần đề cao vai trò của mình, không nên can thiệp, vận động này khác để đại biểu Quốc hội thay đổi lá phiếu của mình để “chấm điểm” không khách quan. Ngoài ra, Quốc hội cần có chế tài, quy định để xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, có thể đưa ra để “trừ điểm” không chỉ ở tại kỳ họp này mà còn cả quá trình tiếp theo.
Như ông đã nói lần này các đại biểu sẽ chấm điểm cho 49 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn nhưng theo ông có nên công khai “bảng điểm” của từng người?
Theo tôi, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm hay “chấm điểm” lần này, Quốc hôi cần công khai kết quả, “số điểm” cụ thể đối với từng chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn để cử tri cả nước nắm bắt được người nào điểm thấp, người nào điểm cao, qua đó cũng là để cử tri, người dân cả nước thực hiện vai trò giám sát của mình.
Việc công khai kết quả “chấm điểm” lần này theo tôi là rất cần thiết để báo chí đưa tin cho toàn dân biết được ai được tín nhiệm cao, ai tín nhiệm thấp, chứ không nên dấu kín hoặc đưa vào diện “bí mật” để người dân thắc mắc, có như vậy hiệu quả của Nghị quyết 35 của Quốc hội mới thực sự hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!