Cầu Long Biên có đủ tải trọng nếu “ôm” đường sắt đô thị?
Nhiều ý kiến ủng hộ phương án cho đường sắt đô thị chạy giữa cầu Long Biên |
Nhắc đến cây cầu Long Biên, người ta thường nghĩ đến yếu tố lịch sử hơn là giá trị về mặt giao thông đô thị. Với hơn trăm năm tuổi đời, vắt liền qua 3 thế kỷ, chứng kiến biết bao biến cố thăng trầm trong lịch sử, cầu Long Biên đã trở thành một biểu tượng như một “bảo tảng sống” của thủ đô.
Hà Nội và các Bộ, ngành liên quan đã có bao nhiêu cuộc họp, bao nhiêu phương án đưa ra về số phận cây cầu lịch sử này. Đến bây giờ, cầu Long Biên một lần nữa lại thu hút sự chú ý của dư luận, khi Bộ GTVT đưa ra nhiều phương án bảo tồn cho cây cầu Long Biên khi thực hiện tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Infonet xoay quanh chủ trương này, TS Đinh Thị Thanh Bình, Viện Trưởng Viện Quy hoạch & Quản lý GTVT, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Quy hoạch & Quản lý GTVT (Trường ĐH GTVT) nêu quan điểm rằng, cầu Long Biên được coi là cây cầu lịch sử của thủ đô Hà Nội. Cây cầu này không chỉ có ý nghĩa lịch sử hàng trăm năm, mà còn là cảnh quan và như một điểm nhấn của thủ đô Hà Nội. Vì thế phương án phá hẳn cây cầu này đi là “điều không thể” và cần phải loại bỏ.
Trước thực tế đó, vị chuyên gia giao thông cho rằng cây cầu này phải là bảo tồn. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn phải phát huy được công dụng giao thông của nó.
Cầu Long biên không phải là cây cầu mang tính chủ lực về giao thông. Vì lượng phương tiện lưu thông hiện nay chủ yếu tập trung ở các cây cầu Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy gần đó. Nhưng hiện chúng ta vẫn cho phép các phương tiện xe máy, xe đạp và một số đoàn tàu đi lại qua cây cầu Long Biên.
Do vậy khi phục dựng cầu Long Biên ít nhiều cũng phải có chức năng về giao thông chứ không chỉ nguyên mỗi yếu tố lịch sử. Vì thế không thể chỉ “vì bảo tồn mà cứ để cây cầu ở đó”.
Nhưng một rắc rối phát sinh vì trong tương lai, hướng đường sắt đô thị số 1 lại trùng với vị trí cầu Long Biên. Vậy câu hỏi đặt ra là xây cầu mới cho đường sắt song song với cầu Long Biên, hay tuyến đường sắt trên cao này sẽ cho chạy trên cầu Long Biên.
Nhiều người nghĩ ngay đến phương án để đường sắt trên cao chạy qua cầu Long Biên. Tuy nhiên phương án này sẽ phải đổi mặt với một vướng mắc không nhỏ, vì bố trí dành một phần đường để đường sắt trên cao chạy trên phần cầu Long Biên sẽ rất khó.
Phương án khác, nếu xây một cây cầu mới cho đường sắt đô thị song song với cầu Long Biên có ảnh hưởng đến cảnh quan, kiến trúc của cây cầu hay không? Nếu xây dựng một cây cầu song song với cây cầu Long Biên để đường sắt đô thị đi qua, vậy phương án nào lợi hơn?
“Tôi nghĩ khía cạnh cảnh quan không bị ảnh hưởng lắm, mà vấn đề nằm ở khía cạnh kinh tế thôi. Giữa hai phương án đó, phương án nào tốn kém hơn, cụ thể là bao nhiêu cần làm rõ. Từ đó mới có thể đưa ra được lựa chọn tối ưu” – TS Bình đặt câu hỏi và đưa ra các tình huống cần làm rõ.
Nữ chuyên giao giao thông này cũng nói thêm rằng, đường sắt đô thị không đến mức quá nặng về tải trọng. Mặt khác mỗi toa cũng chỉ có chưa đến 300 hành khách. Từ tính toán trên, TS Bình nghiêng về phương án “vừa bảo tồn, vừa củng cố lại cây cầu” để có thể đáp ứng được nhu cầu về vận tải đô thị. Nghĩa là đường sắt đô thị sẽ chạy trên cầu Long Biên.
“Không rõ nếu cho đường sắt đôi chạy qua cầu Long Biên thì có ảnh hưởng đến trọng tải cầu hay không?” – TS Bình băn khoăn.
Trước đó tại buổi làm việc giữa Hà Nội và Bộ GTVT, cả hai bên đã đi đến thống nhất phương án triển khai. Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Quốc Hùng đã đưa ra phương án bảo tồn nguyên trạng Cầu Long Biên và được Bộ GTVT đồng ý.
Tiếp tục trao đổi với phóng viên báo chí về vấn đề này, người phát ngôn Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân tiếp tục khẳng định, quan điểm của Sở là bảo trì, nâng cấp chứ không xây mới cầu Long Biên.
Tuy nhiên trước ba phương án được Bộ GTVT nêu ra, xin ý kiến các Bộ ngành liên quan và UBND TP Hà Nội, nhiều chuyên giao giao thông, đô thị lại phản đối cả 3 phương án của Bộ GTVT đưa ra.