Cầu Chương Dương đang được “khám bệnh tổng thể” thế nào?
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Infonet bên lề kỳ họp HĐND TP Hà Nội xoay quanh việc thử tải cầu Chương Dương, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hiện cơ quan chuyên môn vẫn đang “khám bệnh, hội chẩn” cho cầu.
“Chủ trương của thành phố là nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể cầu Chương Dương. Từ đó để có thể đưa ra những giải pháp sau thời gian mấy chục năm hoạt động” – Giám đốc Hùng cho biết.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết những gì thuộc về an toàn giao thông sẽ phải khắc phục ngay. Ảnh LD |
Đơn vị được giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này là Ban quản lý dự án duy tu hạ tầng giao thông. Theo dự kiến sang tuần tới sẽ công bố kết quả về hiện trạng cầu Chương Dương sau những ngày thử tải.
Về mục đích thử tải lần này, ông Hùng ví như việc “khám bệnh tổng thể” cho cầu Chương Dương để đánh giá lại toàn bộ tình hình “sức khỏe” của cây cầu qua quá trình hoạt động trong suốt mấy chục năm qua.
Việc làm này theo ông Hùng cũng giống như “chúng ta đi khám chữa bệnh định kỳ thôi”. Ông cũng lưu ý nếu chỉ đi “khám” như vậy mà đã vội cho là “có bệnh” thì hoàn toàn không có căn cứ. Tất nhiên trước đó cây cầu này vẫn được kiểm tra định kỳ, nếu thấy hỏng hóc ở đâu thì tiến hành sửa chữa ở đó.
Mặc chưa có kết quả, nhưng ông Hùng cũng đưa ra nhận định có thể phải tu sửa một vài chỗ trong quá trình sử dụng.
Tuy nhiên xét về mặt tổng thể Giám đốc Sở GTVT Hà Nội vẫn khẳng định “Cầu Chương Dương vẫn hoạt động bình thường. Đến giờ phút này vẫn không có vấn đề gì”.
Về những giải pháp đưa ra, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, cầu Chương Dương hiện còn nhiều quan điểm khác nhau.
Một số nhà nghiên cứu thì cho rằng mặt cắt cầu Chương Dương quá bé, không đáp ứng được lưu lượng hiện nay. Ví dụ đường Nguyễn Văn Cừ với 4 làn xe, nhưng khi đi lên cầu lại chỉ có hai làn xe, gây ra ùn ứ.
“Tới đây chúng tôi sẽ cải tạo lại nút Bắc Chương Dương để giải quyết ùn ứ” – ông Hùng cho biết.
Sau khi có kết quả thử tải cầu Chương Dương, Hà Nội sẽ đưa ra "phác đồ điều trị". Ảnh LD |
Hay chỗ chuyển làn cũng đang tồn tại những cái bất hợp lý. Khắc phục tình trạng này, ông cho biết tới đây sẽ phân làn và tổ chức lại giao thông.
Theo tính toán của sở giao thông, hiện lưu lượng xe qua cầu Chương Dương khoảng 25 nghìn lượt ô tô mỗi ngày. Trước ý tưởng xây cầu mới bên cạnh cầu Chương Dương, ông Hùng cho biết người dân đưa ra nhiều giải pháp: lúc làm thêm cầu, lúc lên tầng, lúc bỏ đi, lúc lại làm ngầm…
Ông cho đó là quyền của người dân, và những ý kiến cá nhân đó cũng chỉ “mang tính chất tham khảo. Việc xây cầu bên cạnh, hay tu sửa đều phải căn cứ vào kết quả khảo sát tới đây.
Sau khi có kết quả đánh giá định kỳ xong, người đứng đầu ngành giao thông thủ đô cho biết sẽ đưa ra hướng xử lý, giống như trong y tế gọi là “phác đồ điều trị”.
Tuy nhiên ông Hùng vẫn khẳng định: “Những gì thuộc về an toàn giao thông sẽ phải khắc phục ngay. Còn cái gì liên quan đến quy mô đầu tư, theo quy hoạch ổn định xã hội sẽ thực hiện từng bước. Mục tiêu trước mắt là phải đảm bảo an toàn giao thông cho người dân”.
Cũng theo giám đốc sở giao thông, việc cấm ô tô để phục vụ công tác thử tải lúc đầu dự kiến trong 5 ngày, nhưng sau đó được dồn lại chỉ còn 3 ngày. Thời gian cấm ô tô tập trung vào khoảng thời gian từ 23 giờ đêm đến 5h sáng nên lưu lượng xe rất ít.
Vì thế trong thời gian cấm không ảnh hưởng đến hoạt động của nhân nhân. Trong khoảng thời gian đó ô tô lưu thông qua cầu Vĩnh Tuy.
Trước đó vào những ngày cuối tháng 6 vừa qua Hà Nội đã tổ chức cấm ô tô đi qua khu vực cầu Chương Dương trong khoảng thời gian từ 23 đêm đến 5 giờ sáng để tiến hành kiểm định thử tải cầu như đo độ võng, dao động của kết cấu nhịp, dàn chủ, mố trụ…