Cấp phép xây dựng: “Xin mà không cho thì phải cho rồi mới xin”
ĐBQH đưa ra ý kiến trên khi Quốc hội bàn về Luật Xây dựng sửa đổi sáng 25/11.
Thảo luận về dự án này, nhiều ĐB đã đề nghị cần sửa đổi Luật xây dựng sửa đổi thành Luật Đầu tư xây dựng. ĐB Trần Hồng Thắm (TP Cần Thơ) cho rằng, về mặt hình thức, kết cấu và nội dung luật sửa đổi đã có sự thay đổi về lượng đáng kể so với Luật xây dựng năm 2003. Luật xây dựng sửa đổi đã bổ sung, thay thế và điều chỉnh nhiều nội dung, gắn hoạt động đầu tư với hoạt động xây dựng…
ĐBQH đoàn Hà Nội phản ánh tình trạng "xin - cho" trong đầu tư xây dựng hiện nay. (Ảnh IT) |
ĐB Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) cho rằng, bên cạnh Luật xây dựng còn nhiều Luật khác có liên quan như Luật quy hoạch đô thị, Luật đất đai, Luật đầu tư, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản... Do đó, cần rà soát để đảm bảo tính đồng bộ, không chồng chéo. ĐB Nam cũng cho rằng, dù vẫn còn bất cập chưa phù hợp với thực tiễn nhưng việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung ở các luật chuyên ngành có liên quan kể trên không nên đưa vào Luật xây dựng (sửa đổi).
Đề cập đến các quy định đối với dự án đầu tư xây dựng, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) đánh giá, công tác quản lý nhà nước về xây dựng chưa được hiệu quả, còn chồng chéo và bất cập do chưa tách bạch rõ ràng nội dung quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng.
ĐB Thanh Hải đề nghị các nội dung trong luật nên xác định cụ thể những nội dung nào nhà nước sẽ quản lý nói chung đối với tất cả các dự án đầu tư xây dựng, không nên phân biệt dự án của chủ đầu tư là cơ quan nhà nước hay không phải nhà nước.
Cùng đề cập đến công tác quản lý trong hoạt động xây dựng, ĐB Nguyễn Thế Tuy (Lạng Sơn) cho biết, hiện số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoạt động xây dựng phát triển tương đối nhiều nhưng năng lực, kinh nghiệm của nhiều doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng tới chất lượng công trình xây dựng.
Đồng tình với việc cần có một chương quy định về năng lực hoạt động xây dựng, tuy nhiên theo ĐB Thế Tuy, việc phân loại chứng chỉ hành nghề, phân loại năng lực của tổ chức hoạt động xây dựng cần quy định cụ thể hơn.
“Tôi biết các nước có phân ra một số loại chứng chỉ để phân biệt giữa những cá nhân có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm với những cá nhân có ít kinh nghiệm. Những cá nhân có kinh nghiệm cao hơn được thực hiện những công trình quy mô lớn, còn những cá nhân ít kinh nghiệm thì chủ đầu tư được thực hiện những công trình quy mô nhỏ” – ĐB Tuy nói.
Đề cập đến vấn đề cấp phép xây dựng, ĐB Trịnh Ngọc Thạch (TP Hà Nội) cho đây là một nội dung quan trọng trong quản lý hoạt động xây dựng đã được đề cập trong Luật xây dựng 2003. Tuy nhiên, việc cấp phép theo các quy định này còn rất nhiều bất cập.
ĐB Thạch phân tích, hiện tình trạng "xin - cho" trong cấp phép vẫn còn rất phổ biến. "Xin - cho" trong tất cả các phương diện thể hiện ở thỏa thuận công đoạn về quy hoạch kiến trúc. Việc thỏa thuận này dễ dẫn đến việc tùy tiện trong quản lý.
Luật 2003 quy định phải có quy hoạch chi tiết, có thiết kế đô thị, hoặc phải có quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc mới được cấp phép. Nghị định 64/2012 của Chính phủ cũng quy định như vậy, nhưng thực tiễn vẫn chỉ là thỏa thuận "xin và cho".
“Các cơ quan xin mà không cho thì phải cho rồi mới xin. Không xin được thì phải cho nữa mới được, thậm chí cho cũng không nhận được. Vòng luẩn quẩn này luật đã nói nhưng vẫn chưa thể khắc phục được” - ông Thạch nói.
Cho rằng phải làm rất chặt khâu "xin - cho", ĐB cũng đề nghị Ban soạn thảo phải đưa ra đủ các chế tài mạnh để giải đáp câu hỏi rất khó là: Tại sao 10 năm nay chúng ta chưa làm được và Chính phủ chỉ đạo công việc này như thế nào?
Theo ĐB Thạch, công tác chuẩn bị kéo dài, tiến độ lúng túng, lựa chọn năng lực nhà thầu và quản lý hợp đồng không tốt gây ảnh hưởng tới chất lượng và làm đội giá công trình xây dựng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến yếu kém về năng lực, đồng thời tăng vốn đầu tư.
Qua giám sát của đoàn Hà Nội, ĐB Thạch dẫn dụ hai trường hợp: một cuộc giám sát năm 2009 về hai dự án đầu tư xây dựng tại Hòa Lạc, đó là dự án công nghệ cao và Đại học Quốc gia. "Năm 2012 chúng tôi lại tổ chức khảo sát đánh giá lại kết quả giám sát chúng tôi thấy bộc lộ ra nhiều vấn đề".
Nguyên nhân theo ĐB Thạch quan trọng nhất là năng lực các ban quản lý dự án rất kém, đặc biệt dự án Đại học Quốc gia. Hiện nay chúng ta đã tổ chức đến 3 - 4 lần, thay đến 4 Trưởng ban quản lý, nhưng vẫn chưa triển khai được và sau 12 năm thì dự án này gần như vẫn đang dẫm chân tại chỗ.
“Tôi đề nghị phải nghiên cứu kỹ việc đầu tư với quản lý, đặc biệt phải nâng cao năng lực hơn nữa Ban quản lý dự án mang tính chuyên nghiệp cao” – ĐB Thạch cho hay.