Cảnh giác với các trò lừa trên mạng
Kẻ gian luôn thay đổi các hình thức lừa đảo khiến các nạn nhân sập bẫy, mất số tiền lớn trong tài khoản ngân hàng. Người dân cần cảnh giác khi giao dịch trên mạng.
Trong số những trò lừa đảo phổ biến, Công an TP.HCM đã liệt kê được một số hành vi như lừa gửi quà tặng, mua bán hàng qua mạng, lừa cho tiền từ thiện...
Đủ kiểu lừa đảo
Mới đây, bà N.B gọi điện cho cháu gái là chị Ngọc Linh (30 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) mượn 70 triệu đồng. Nghĩ dì mượn đáo hạn ngân hàng nên chị Linh không hỏi lại, chuyển tiền vào tài khoản. Hôm sau, chị Linh lại nhận được cuộc gọi mượn thêm 80 triệu đồng. Chị Linh gặng hỏi thì người dì cho biết quen một người đàn ông giới thiệu là bác sĩ công tác tại một bệnh viện lớn ở Anh. Người này nói sắp nghỉ hưu, muốn sang Việt Nam sinh sống, hứa gửi 200.000 USD về mua đất và kết hôn với bà B.
Những ngày sau, bà B. nhận được cuộc gọi của một phụ nữ xưng là "nhân viên hải quan" nói có thùng quà chứa đầy tiền, yêu cầu bà B. chuyển tiền cước vận chuyển 300 triệu đồng. Chỉ đến khi không nhận được quà và người tình khóa tài khoản Facebook, bà B. mới nhờ cháu gái cùng ra Công an quận 1 trình báo.
Vô ý làm theo hướng dẫn khi nhấp vào đường link lạ, chủ tài khoản sẽ mất tiền. (Ảnh: TẤN NGUYÊN) |
Do tình hình dịch phức tạp, chị Thư Quyên (28 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) chuyển sang bán hàng online. Mỗi ngày, chị đăng vào các nhóm có đông thành viên trên Facebook để bán cá khô, heo quay. Một sáng cuối tháng 7/2021, chị Quyên nhận được tin nhắn của khách ở đường Nguyễn Tri Phương (quận 10, TP.HCM) đặt mua 3kg heo quay, đồng thời gửi cho chị đường link thanh toán tiền hàng. Chị Quyên thao tác theo hướng dẫn thì điện thoại báo về số tiền 9 triệu đồng trong tài khoản của chị đã chuyển sang tài khoản khác.
Cũng là chiêu gửi đường link để chuyển tiền, anh Hoàng Hòa (quê Long An) bị kẻ gian lừa mất 1 triệu đồng cuối cùng còn lại trong tài khoản. Anh Hòa kể: "Do dịch bệnh, vợ chồng tôi không làm ra tiền. Trong một lần lướt trên nhóm giúp đỡ nhau mùa dịch, thấy có người thông báo tặng 10 hoàn cảnh khó khăn mỗi người 1 triệu đồng nên tôi kết bạn trên Zalo. Sau khi tôi cho số tài khoản thì nhận được đường link yêu cầu làm theo hướng dẫn mới được nhận tiền. Ngay sau đó, số tiền 1 triệu đồng còn lại trong tài khoản của tôi đã bị kẻ gian lấy mất".
Công an quận 10, Công an quận Bình Thạnh, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP.HCM… cũng nhận được nhiều trình báo về việc bị lừa khi cho thuê nhà, bị kẻ gian gọi điện thông báo nợ cước điện thoại, nợ hóa đơn tiền điện, phạt nguội vi phạm giao thông…
Cảnh giác mọi lúc, mọi nơi
Để khuyến cáo khách hàng, các ngân hàng thường xuyên gửi mail thông báo các chiêu lừa. Theo VPBank, một trong những hình thức lừa đảo khiến nhiều người sập bẫy là mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho khách với lý do hỗ trợ kiểm tra giao dịch, yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin để hỗ trợ, xác thực. Nếu làm theo đúng các yêu cầu (cung cấp thông tin tài khoản, số CMND/CCCD, mã OTP….), ngay lập tức tài khoản/ thẻ của khách hàng sẽ bị trừ tiền vì kẻ gian đang chiếm quyền truy cập tài khoản và thực hiện các giao dịch trực tuyến.
Ngoài ra, còn có hình thức lừa đảo thông qua gửi thư điện tử hoặc tin nhắn giả mạo ngân hàng (thư điện tử có chứa tên ngân hàng và chữ ký điện tử của nhân viên ngân hàng) thông báo khách hàng nhận được một khoản tiền và yêu cầu xác nhận giao dịch bằng cách truy cập vào tệp (file) hoặc đường link có chứa mã độc nhằm chiếm đoạt thông tin và tiền trong tài khoản.
Một hình thức lừa đảo mới là chuyển một khoản tiền vào tài khoản thanh toán tại ngân hàng với nội dung cho vay, sau đó đối tượng gọi điện cho khách hàng báo vừa chuyển nhầm, yêu cầu khách hàng chuyển trả lại tiền (tài khoản nhận khác với tài khoản đã chuyển nhầm) hoặc giả danh nhân viên ngân hàng hướng dẫn thủ tục hoàn trả (truy cập đường link, điền thông tin cá nhân bao gồm các thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử…). Nếu làm theo yêu cầu, tài khoản của khách hàng sẽ bị chiếm đoạt tiền; người chủ tài khoản chuyển nhầm sẽ gọi điện đòi hoàn trả lại tiền đã chuyển nhầm cùng tiền lãi vay.
Theo Công an TP.HCM, các băng nhóm lừa đảo còn mạo danh công ty tài chính mời người dân vay vốn, hướng dẫn cài ứng dụng trên điện thoại di động (như ứng dụng Auto Cash…) để giải ngân một khoản tiền kèm theo hợp đồng với con dấu giả, chữ ký giả của người có thẩm quyền của công ty tài chính nhằm lừa đảo khách hàng chuyển khoản đặt cọc để chiếm đoạt.
"Kẻ gian cũng có thể mạo danh nhân viên công ty viễn thông yêu cầu khách hàng nâng cấp sim đang sử dụng lên sim 4G sau đó chiếm đoạt sim và từng bước chiếm đoạt tài khoản ngân hàng và rút tiền trong tài khoản" - Công an TP.HCM khuyến cáo.
Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ - Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự VKSND TP.HCM cho rằng, hiện nay, các nhóm lừa đảo luôn thay đổi hình thức, chiêu trò, sử dụng công nghệ cao và tinh vi để lừa đảo. "Người dân chỉ nên giao dịch tại các trang web uy tín, kiểm tra kỹ tên miền website trước khi gõ các thông tin bảo mật, nên sử dụng máy tính/điện thoại cá nhân cài đặt chương trình diệt virus, cảnh báo nguy hiểm. Thường xuyên thay đổi mật khẩu và tuyệt đối không lưu lại thông tin tài khoản/thẻ trên các trình duyệt khi giao dịch. Đăng xuất khỏi tài khoản ngay sau khi hoàn thành phiên giao dịch. Thường xuyên kiểm tra thông báo giao dịch thẻ hoặc ngân hàng điện tử; đồng thời thường xuyên thay đổi mã PIN, mật khẩu. Sử dụng tay che bàn phím khi nhập mã PIN trong quá trình giao dịch tại ATM, POS và các thiết bị thanh toán thẻ khác" - bà Vũ Thị Xuân Nhuệ lưu ý.
Công an TP.HCM cảnh báo người dân hạn chế sử dụng mạng WiFi công cộng để thực hiện giao dịch trên hệ thống ngân hàng điện tử. Nên thường xuyên cập nhật các phần mềm bảo mật, diệt virus, tường lửa mới nhất cũng như phiên bản mới nhất của các ứng dụng cung cấp bởi ngân hàng; thoát khỏi các dịch vụ và ứng dụng của ngân hàng liên kết với dịch vụ điện tử và các website thương mại điện tử ngay sau khi hoàn thành phiên giao dịch.
Theo nld.com.vn