Cần xem xét lại các trường hợp đặc xá
|
Đại biểu Phạm Trường Dân (đoàn Quảng Nam) phát biểu tại buổi thảo luận chiều 26/10. |
Xem xét lại các trường hợp đặc xá
Cho ý kiến về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm hiện nay đại biểu Trần Tiến Dũng (đoàn Hà Tĩnh) chobiết, theo báo cáo năm 2012 cả nước có trên 34 nghìn phạm nhân tái phạm nên chứng tỏ chưa có sự và cuộc của toàn dân.
Lý giải việc tình hình phạm tội hiện nay, đại biểu Phạm Trường Dân (đoàn Quảng Nam) cho rằng, công tác phòng, chống tội phạm có nguyên nhân là do công tác tuyên truyền chưa sâu, rộng. Tội phạm nhiều do xử lý tội phạm còn quá nhẹ, án treo nhiều, nhiều đối tượng vừa được đặc xá ra xã hội lại tiếp tục phạm tội. Bên cạnh đó các đối tượng tâm thần phạm tội nhiều, công tác quản lý ngườii tâm thần chưa được quan tâm chú trọng. Nếu gia đình người tâm thần không quản lý được thì họ lại tiếp tục phạm tội.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) nhận định, hàng năm tỷ lệ giảm án tha tù, đặc xá nhân dịp những ngày lễ lớn với số phạm nhân rất nhiều, cần đánh giá nghiêm khắc về vấn đề này. Vì khi được đặc xá, hàng nghìn tội phạm được tha tù ra ngoài xã hội thì cũng cần phải đánh giá bao nhiêu phần trăm tỷ lệ phạm nhân được ân xá tiếp tục tái phạm. Chất lượng giáo dục trong trại giam như thế nào cũng cần phải xem xét lại. Việc này Bộ Công an cũng phải có báo cáo, Chính phủ cần đánh giá, xem xét. Chính sách của Nhà nước là khoan hồng với những người bị phạt tù cải tạo tốt, tuy nhiên khi được giảm án trước thời hạn, ra tù không tái phạm mới thành công.
Đại biểu Nguyễn Đức Chung (đoàn Hà Nội), Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng, trong thời gian tới tội phạm lợi dụng công nghệ cao, thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển, mở rộng liên quan đến nhiều nước để thực hiện các hành vi lừa đảo, buôn bán ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em. Đặc biệt, tỷ lệ phạm tội ngày càng trẻ hóa đó là vấn đề đáng lo ngại, nguy hiểm. Đại biểu Chung cũng đề nghị, cần xem xét chính sách đặc xá đối với các đối tượng giết người, buôn bán ma túy lớn. Thống kê cho thấy không ít đối tượng vừa được hưởng chính sách đặc xá nhưng chỉ mới ra xã hội 1 ngày là đã phạm tội. Vì vậy, cần xem lại một số tội danh không thể giảm tội được.
“Hiện nay công tác phổ biến giáo dục pháp luật của ta còn kém, người dân chưa tiếp cận được một cách kịp thời đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng phạm tội hiện nay”, đại biểu Chung nhấn mạnh.
Cần kiểm soát tài sản của cán bộ công chức
Cho ý kiến về công tác phòng chống tham nhũng hiện nay, đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, công tác này chưa được ngăn chặn và tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực. Ta mới chỉ chống tham nhũng trên diện rộng, chưa đi vào chiều sâu.
Đại biểu Quyền ví dụ, Việc mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản hiện thực hiện chưa đúng mà chỉ là hình thức. Quan trọng nhất để chống tham nhũng là kiểm soát được tài sản của mọi đối tượng trong xã hội, trong đó có cán bộ công chức."Hiện tại, chúng ta có cả một Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng được cho là rất hoành tráng, nhưng ban ấy không có quyền gì cả, chỉ đôn đốc, chỉ đạo kiểm tra. Theo tôi cứ dựa vào luật mà thực hiện, không cần ban chỉ đạo, vấn đề hoạch định chính sách cần hạn chế tối đa kẽ hở để tham nhũng lợi dụng”, đại biểu Quyền đề nghị.
Nhìn nhận từ góc độc khác, đại biểu Nguyễn Đức Chung cho rằng, chúng ta đã đề ra nhiều biện pháp nhưng cần có biện pháp để cán bộ công chức đủ sống, không dám tham nhũng.