Cần phải xem xét lại việc giao vũ khí quân dụng cho Công an xã?
Bộ Công an vừa công bố dự thảo lần 2 thông tư quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của dư luận. Thông tư này quy định về thẩm quyền, đối tượng, chủng loại, số lượng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trang bị cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an.
Theo đó, đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ bao gồm: Cục nghiệp vụ trực thuộc Bộ Công an; Cục nghiệp vụ trực thuộc Tổng cục; Các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh; Trại giam, trại tạm giam; Học viện, trường Công an nhân dân; Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân làm công tác đào tạo, huấn luyện; Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Công an xã, phường, thị trấn.
Ảnh minh họa. |
Các loại vũ khí quân dụng được trang bị bao gồm: Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu, súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân, trực thăng vũ trang, xe thiết giáp, mìn, lựu đạn và đạn sử dụng cho các loại súng này.
Nội dung gây tranh cãi lớn nhất trong dự thảo thông tư này là "Công an xã, phường được phép trang bị vũ khí".
Trao đổi với phóng viên về quy định này, luật sư Đặng Xuân Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá: "Cái hay là Thông tư đã phân cấp rõ ràng, cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng liên quan đến trách nhiệm điều động, điều chuyển, trang bị vũ khí. Chỉ có nội dung đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng là công an xã/phường/thị trấn đang gây nhiều tranh cãi".
Luật sư Đặng Xuân Cường phân tích: Không thể phủ nhận Công an xã đang có những đóng góp rất lớn trong việc bảo đảm an ninh trật tự ở các địa phương. Việc trang bị vũ khí sẽ phần nào giúp đội ngũ này thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Từ trước đến giờ, Công an xã là lực lượng bán chuyên trách, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự xã hội ở thôn làng, địa phương.
Tuy nhiên, các loại công cụ hỗ trợ được trang bị như hiện tại (dùi cui, còng, súng gây ngạt, gây tê…) cũng đã đủ để hỗ trợ cho lực lượng này đảm bảo an ninh, trật tự xã hội tại địa phương, đủ sức để trấn áp những đối tượng manh động ở thôn, xóm trên địa bàn. Do vậy, việc giao vũ khí quân dụng cho Công an xã cần thiết phải xem xét lại. Công an xã không trải qua việc sàng lọc gắt gao về phẩm chất chính trị và các tiêu chí khác của ngành Công an, không phải là lực lượng chuyên nghiệp, chưa được đào tạo bài bản nên dễ xảy ra chuyện khó lường khi được cấp vũ khí quân dụng.
Ở một số nơi, có tình trạng sử dụng vũ khí rất bừa bãi. Đã có nhiều trường hợp người dân thường bị thương tích bởi vũ khí của Công an xã gây ra, thậm chí thời gian qua chúng ta còn được biết có sự việc Trưởng Công an xã đã bắn Chủ tịch xã ở Nghệ An làm người dân rất hoang mang.
Nói về sự cần thiết phải trang bị vũ khí cho Công an cấp xã, luật sư Đặng Xuân Cường cho rằng: “Hiện nay, khi có những vụ việc nghiêm trọng, Công an xã hoàn toàn có thể đề nghị Công an huyện hỗ trợ bởi khoảng cách địa giới hành chính, cộng với giao thông thuận tiện nên giữa huyện và xã giờ không xa như trước đây, thông tin liên lạc luôn thông suốt, khi có sự việc phức tạp về an ninh trật tự thì lực lượng Công an huyện luôn có mặt kịp thời.
Đội ngũ công an chuyên nghiệp được đào tạo bài bản trước khi nổ súng nhiều khi còn rất đắn đo, đánh giá, phán đoán tình huống đôi khi chưa chuẩn. Đối với Công an xã, trình độ còn hạn chế nên việc giao vũ khí cho họ cần thiết phải xem xét lại.
Bên cạnh đó, việc trang bị vũ khí quân dụng cho lực lượng Công an xã sẽ phát sinh việc cấp, quản lý, cất giữ vũ khí quân dụng vốn phức tạp, gây tốn kém ngân sách.
Hiện nay, lực lượng công an tổ chức theo ba cấp (cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện). Cơ quan chức năng đang xem xét sửa Luật Công an nhân dân theo hướng xây dựng lực lượng công an bốn cấp. Tôi cho rằng chưa nên trang bị vũ khí quân dụng cho Công an xã cho đến khi xây dựng lực lượng công an bốn cấp”.