Cần "chuyên môn" để xác minh "dâm hóa"
Cần "chuyên môn" để xác minh "dâm hóa"
Nếu "Xuân thì" gợi dục thì yếm đào dâm ô?
![]() |
Một trong những ảnh của Mai Phương Thúy trong bộ ảnh gây tranh cãi |
Câu chuyện người đẹp Mai Phương Thúy khoe vẻ đẹp của mình trong bộ áo dài đã trở thành điểm nóng văn hóa trên mặt bằng báo chí tuần qua. Đường con của cô Thúy nóng đến nỗi mà ngay giữa mùa lễ hội bộn bề nhưng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng phải vội ra văn bản để phân bua. Giới truyền thông lạc lối vì mục tiêu câu khách, dư luận lạc lối trong sự nhập nhèm về chuẩn mực, đã đành. Ngay cả những người quản lý văn hóa cũng trở nên lúng túng bởi đường cong của cô.
Chuyện của cô Thúy có lẽ sẽ chẳng nóng đến thế, có lẽ mớ ảnh áo dài của cô sẽ chìm lấp trong mênh mông "vườn cải" của báo chí Việt Nam vốn dĩ không thiếu chuyện người đẹp, người xấu “lộ hàng”, nói năng tầm bậy và đương nhiên người đọc sẽ nhanh chóng lãng quên câu chuyện của Thúy nếu như không có những phát ngôn thiếu kiềm chế của ông Chánh văn phòng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
![]() |
Ông Tô Văn Động, Phát ngôn viên của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch |
Dẫu cơ quan có trách nhiệm cao nhất về quản lý văn hóa đã đưa ra văn bản đính chính rằng: Việc đồng ý tước vương miện của Mai Phương Thúy là quan điểm cá nhân của ông Tô Văn Động, người phát ngôn của Bộ. Song, điều đó không đủ để che chắn thực tế là các nhà quản lý văn hóa của chúng ta đã quá lúng túng trước câu chuyện đường cong của cô Thúy.
Nhưng dù đã khẳng định phát ngôn của người phát ngôn không phải là quan điểm chính thức của Bộ, song văn bản “đính chính” này vẫn cho rằng: Việc có hay không quyết định tước danh hiệu của Hoa hậu Mai Phương Thúy, Bộ sẽ giao cho một cơ quan chuyên môn thẩm định, xem xét tất cả các điều kiện và sau đó mới có kết luận cuối cùng.”
Như vậy, cho đến lúc này, các nhà quản lý văn hóa vẫn chưa thể kết luận bộ ảnh áo dài của Thúy có phản cảm hay không, cô có xúc phạm tấm áo dài truyền thống của dân tộc khi chụp bộ ảnh đó. Và, để có kết luận cuối cùng, những nhà quản lý văn hóa nước nhà vẫn cần sự thẩm định của một cơ quan chuyên môn.
Thái độ của Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch, thể hiện qua văn bản trên, cho thấy cơ quan này đang thực sự rất lúng túng với câu chuyện của cô Thúy. Một sự lúng túng đến kỳ khôi mà khó ai tin rằng cơ quan đầu não chịu trách nhiệm về văn hóa quốc gia này đang gặp phải.
Bỏ qua khái niệm phản cảm vốn dĩ quá mơ hồ, các nhà quản lý văn hóa của chúng ta chẳng lẽ không thể phân định nổi đâu là giá trị truyền thống mà dư luận đang lo lắng bị cô Thúy chà đạp bằng việc “dâm hóa” tà áo dài?
Có thể nói ngay rằng, cô Thúy dẫu có đẹp hơn nhiều lần đi chăng nữa, "dâm" hơn nhiều lần đi chăng nữa, và có nhiều dã tâm hơn nữa, thì cô gái đẹp này cũng không thể, và không có cách nào để khiến cho chiếc áo dài Việt Nam trở thành bộ dâm y.
Cái áo là cái áo, người đẹp là người đẹp. Chẳng lẽ để bảo vệ vẻ đẹp của chiếc áo dài mà chúng ta cấm không cho những người phụ nữ chân dài, eo thon cơ thể tràn trề nhựa sống được mặc nó hay sao?
Ở một xã hội đang trong quá trình hội nhập mạnh mẽ như Việt Nam, nơi mà những chuẩn mực đạo đức, văn hóa truyền thống đang tỏ ra yếu ớt trước sự xâm lăng của các giá trị mới du nhập thì cảm xúc của công chúng có thể bị lạc lối, có thể bị dẫn dắt bởi các tiêu chí rẻ tiền của giới truyền thông thì hơn bao giờ hết, các nhà quản lý văn hóa cần tỉnh táo và có khả năng phản ứng nhanh.
Tuy nhiên, phải chăng sự tỉnh táo và phản ứng nhanh là những đòi hỏi quá cao khi mà những hành động, phát ngôn của Bộ Văn hóa – Thông tin và Du lịch cũng không được hình thành bởi những tiêu chí chuẩn mực?
Nếu các nhà quản lý văn hóa mà trang bị đầy đủ các tiêu chí, chuẩn mực về văn hóa, đạo đức hẳn dư luận sẽ không còn phải chờ đợi “một cơ quan chuyên môn thẩm định, xem xét các yếu tố” mới có thể kết luận rằng đường cong của cô Thúy có phản cảm hay không.
Và nếu như trong hành trang quản lý của các quan chức ngành Văn hóa có những tiêu chí chuẩn mực đó, hẳn, họ sẽ nhận ra cái sự phản cảm đang sục sôi trong lòng dân chúng không đến từ đường cong của cô Thúy, cũng như độ mỏng của tấm áo dài, mà nó đến từ chính những trang báo lá cải rẻ tiền đang hoan hỷ nhận views từ việc nhân danh đạo đức và truyền thống.
Lão Phạm