Cần chế tài xử lý công chức nói tục?
Đại biểu Bùi Thị An (Đoàn ĐBQH Hà Nội) |
Ngày 2/8/2007 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 129/2007/QĐ - TTg ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó quy định trang phục, giao tiếp và ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành công vụ hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thưa bà, bà có ý kiến như thế nào qua 7 năm thực hiện Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước?
Câu chuyện giao tiếp, ứng xử của cán bộ công quyền đối với dân, Hiến pháp cũng đã quy định rồi. Dân là chủ thể nhưng không ít cán bộ, công chức chưa tư duy về điều ấy, có thể nói rằng, họ vẫn có thể hiểu là người khác nuôi họ, nhưng thực sự người nuôi họ là dân, người dân đóng thuế nuôi họ.
Tôi cho rằng điều đầu tiên cán bộ, công chức, viên chức phải hiểu rõ mọi sự đều do dân hết và họ phải hiểu được rằng là họ phải phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, nhiều người chưa hiểu rõ điều này, chính vì vậy nên mới xảy ra nhiều cái ứng xử sai lầm là coi thường dân và có những hành vi không tốt với dân. Chính vì thế cho nên cách ứng xử giao tiếp chưa tốt của công chức vẫn còn tồn tại ở nhiều cơ quan, nhưng đặc biệt là đối với cơ quan công quyền.
Vậy việc ứng xử giao tiếp của cán bộ, công chức viên chức đối với người dân đã có chuyển biến gì thưa bà?
Bây giờ việc giao tiếp của cán bộ, công chức trong lĩnh vực doanh nghiệp đã khác rồi, ngay như chuyện nhân viên thu phí đường giao thông, tôi cho rằng các đồng chí đã cải tiến, nở nụ cười, chào hỏi và cảm ơn. Tôi cho rằng, những hành vi văn hóa tốt đã thấm vào từng cách ứng xử giao tiếp. Còn các cơ quan công quyền cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa có chuyển biến rõ nét, họ cho rằng, họ có quyền được làm như vậy, họ lên lương, lên chức là do cấp trên chứ không phải do dân, điều đó là cái tư duy từ bỏ nguồn gốc.
Tức là phải thay đổi tư duy này thưa bà?
Đúng vậy. Bây giờ cần phải thay đổi tư duy trong chính từng cán bộ, công chức rằng cán bộ là người phải phục vụ dân theo đúng các khẩu hiệu được treo trên các cơ quan, “vì nhân dân phục vụ”, chứ không phải treo khẩu hiệu đó cho đẹp, có như vậy thì tất cả các khẩu hiệu treo trên tường mới có ý nghĩa.
Mới đây Hà Nội cũng ban hành quy chế giao tiếp trong việc ứng xử giữa các cán bộ công chức không được nói tục, ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?
Tôi cho rằng, việc Hà Nội ra quy chế ứng xử văn hóa giữa các cán bộ, công chức như vậy là cần thiết. Tuy nhiên, tôi đề nghị phải có giám sát thường xuyên, điều chỉnh thường xuyên và thậm chí nữa là có khen thưởng và cũng có xử lý cán bộ vi phạm chứ không phải chỉ đơn giản là khiển trách nữa.
Nếu anh nói tục với bất cứ ai như thế là anh vô lễ, trong một gia đình nếu anh vô lễ với bố mẹ là bất hiếu và không thể chấp nhận được. Nếu xử lý thì phải thực hiện hết sức nghiêm khắc, như thế mới đưa vào nề nếp, cái phong tục, văn hóa rất tốt đẹp của người Việt Nam, tức là vừa tôn trọng lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau nhưng phải có nguyên tắc. Một đất nước muốn phát triển bền vững thì trước hết phải có nền văn hóa có gốc.
Có những ý kiến của người cao tuổi cho rằng, thế hệ trẻ bây giờ và công chức trẻ văng tục rất nhiều, thậm chí ở cơ quan, ngay cả ra ngoài đường, vậy làm gì để hạn chế điều này?
Thật ra thì tôi nghĩ rằng văng tục trong cách nói thì trẻ cũng có, trung tuổi cũng có, già cũng có. Đấy là một thói rất xấu trong ngôn từ của văn hóa giao tiếp. Cho nên tôi nghĩ rằng việc đầu tiên là phải giáo dục họ thôi, phải giáo dục từ trong nhà trường, người lớn gương mẫu hay người già gương mẫu, thanh niên, sinh viên gương mẫu, tất cả nó thành như một phong trào để khi mà họ phát ngôn ra những từ đấy họ sẽ phải xấu hổ. Nhưng hiện nay đây là một thói quen rất xấu và đó cũng thể hiện sự vô văn hóa trong giao tiếp ngôn ngữ.
Nếu là trẻ em ở trong trường học thì chúng ta cũng phải có cách xử lý nhẹ nhàng. Tuy nhiên, đối với những người lớn tuổi có nhiều người cho rằng đấy là việc của cá nhân tôi, điều này không thể nói như vậy được vì tuy là cá nhân anh nhưng nó liên quan đến tập thể thì phải xử lý.
Ở cơ quan bà có hiện tượng nhân viên nói tục không?
Ở cơ quan tôi nói chung là có nề nếp rồi, gần như là một cơ quan khoa học nên không có những hiện tượng đấy và những đồng chí đứng đầu nếu thấy có hiện tượng này thì nhắc nhở và chấn chỉnh ngay.
Có ý kiến cho rằng nên áp dụng một quy chế chế tài xử phạt trong việc nói tục, thưa bà?
Tôi đồng ý, nói tục trong giao tiếp là việc ảnh ảnh hưởng đến hình ảnh của một tập thể, một đất nước, một cơ quan mà điều này diễn ra sẽ làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân đối với một cơ quan, đối với một đất nước, cho nên phải có quy chế, chế tài để xử lý.
Xin cảm ơn bà!