Cán bộ công chức sai phạm: Đa phần cán bộ đều tốt...
PGS. TS Ngô Thành Can |
Vẫn có xu hướng đóng cửa bảo nhau
Chia sẻ với Infonet về đạo đức công vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay, PGS.TS Ngô Thành Can, Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, những quy định từ tác phong ứng xử hay lớn hơn là quy định về những vi phạm pháp luật, tham nhũng… trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức đều được quy định bằng văn bản. Nếu ai vi phạm đều phải xử lý.
Đa phần cán bộ tốt, không thể nói toàn xấu cả nhưng vẫn có một số cá nhân “con sâu làm rầu nồi canh”. Theo đó, không ít những người trong thực thi công vụ ở cơ quan ứng xử với đồng nghiệp với nhân dân hống hách thậm chí nạt nộ, có người vi phạm chính sách thậm chí có trường hợp phá hoại hoặc tham nhũng.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo GS Ngô Thành Can, đó là chế tài xử lý cán bộ còn yếu.
“Khi ban hành văn bản, những cơ quan có nhiệm vụ này đều mong muốn tạo ra những chuẩn mực để đội ngũ cán bộ công chức đi vào nề nếp nhưng chế tài còn yếu.
Ví dụ, có những vi phạm xử lý chỉ mang tính chất “gãi ngứa” hoặc là xử lý rất chậm. Nếu vi phạm mà được xử lý ngay thì đâu đến mức nặng nề như vụ đất Đà Nẵng, hay vụ việc ở Thủ Thiêm (Sài Gòn)… Hầu hết những vụ việc này xảy ra từ lâu nhưng bao nhiêu năm sau mới xử lý”, GS Ngô Thành Can bày tỏ.
Nguyên nhân thứ hai, theo GS Ngô Thành Can, đó là nhiều cơ quan xử lý cán bộ sai phạm vẫn xu hướng bao che cho anh em, hoặc là lấp liếm, “đóng cửa bảo nhau”.
“Đây là những cái dở, vì thế có cán bộ có bị làm sao thì thôi 'chín bỏ làm mười'”, ông Can nói. Đặc biệt, các quy định vẫn chưa trao cho người đứng đầu được quyền xử lý cán bộ sai phạm. Nhiều khi người đứng đầu muốn xử lý phải căn cứ vào hội đồng nọ, hội đồng kia… “thành ra cũng bó chân, bó tay”. Do đó, ông Can cho rằng “hiện chúng ta có những quy định để ràng buộc nhau nhưng lại là cản trở trong trường hợp cần phải xử lý cán bộ vi phạm”.
Nguyên nhân thứ ba, theo chuyên gia về hành chính công này khẳng định đó chính là ở những người cán bộ công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ. Có những vụ việc cán bộ lợi dụng vị trí, chức quyền để cầu lợi cho bản thân.
“Cán bộ công chức đam mê quyền lực thì cố gắng đạt được, người đam mê vật chất thì cũng tìm mọi cách, hay đam mê những thứ khác cũng cố gắng để giành được… nên nhiều khi vi phạm pháp luật”, ông Can nhấn mạnh.
Một nguyên nhân khác, theo GS Can “nói có vẻ lý thuyết” nhưng lại “hay xảy ra”. Đó là giáo dục ý thức đấu tranh với sai phạm của cán bộ công chức cũng như của người dân đối với vấn đề này chưa đạt được như kỳ vọng.
Theo đó, đồng nghiệp hay người dân thấy cán bộ vi phạm thay vì lên tiếng phản ứng, đề xuất cấp trên xử lý lại chọn cách “im lặng” thỏa hiệp với những cái xấu. Lâu dần tạo thành thói quen.
Vi phạm về đạo đức không nên giữ lại
Trên thực tế, văn hóa công vụ ngoài những giá trị mà cán bộ công chức có trách nhiệm xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả thì bản thân những cán bộ trong bộ máy phải tuân thủ pháp luật. Trước hết cán bộ, công chức phải tuân thủ pháp luật.
Do đó, đối với vụ việc Chánh án “mây mưa” với kế toán tại phòng làm việc gây xôn xao dư luận gần đây ở Quảng Bình, hay vụ cán bộ xã đánh bạc tại trụ sở ủy ban, vụ Thượng úy công an ném xúc xích vào nhân viên bán hàng, rồi cả nữ Đại úy công an náo loạn tại sân bay, thậm chí có trường hợp quỵt tiền của lái xe, đánh nhân viên hoặc có người quát nạt, coi thường người khác… đều vi phạm nghiêm trọng đạo đức công vụ.
“Đáng ngại là rất nhiều trường hợp sau đó tìm “cách” để biện minh cho hành vi không đúng của mình. Đó là việc Chánh án quan hệ bất chính với cấp dưới thì đổ lỗi do “say rượu”. Thậm chí có trường hợp bị bắt quả tang ăn cắp thì lại đi xin giấy chứng nhận “tâm thần”.... Đó là những trường hợp xin lòng thương của nhân dân, xin lòng thương của cấp trên, xin lòng thương của những người sẽ xử lý kỷ luật mình. Những cán bộ này lòng tự trọng đã ở mức rất thấp”, GS Ngô Thành Can bày tỏ.
Đặc biệt đối với trường hợp Chánh án ở Quảng Bình, GS Ngô Thành Can cho rằng, cần phải xem xét kỹ, không thể để một người cầm cân nẩy mực, thạo về pháp luật lại lợi dụng nó như là thứ vũ khí cầu lợi cho mình.
Theo ông, đến lúc chúng ta cần có chế tài đủ mạnh để làm trong sạch đội ngũ cán bộ trong nền hành chính công. Theo đó, những người không hoàn thành nhiệm vụ, những người vi phạm nên ra ngoài công vụ.
“Giống như lực lượng vũ trang, nếu anh vi phạm thì cho phép tự viết đơn xin ra khỏi ngành, hoặc sẽ cho ra khỏi ngành… Tôi nghĩ đối với nền hành chính công vụ cũng cần sử dụng biện pháp này để làm trong sạch hơn đội ngũ cán bộ. Quan trọng hơn, biện pháp này cũng mang tính răn đe, để người khác nhìn vào, lấy đó như bài học … Nếu anh vi phạm, anh sẽ bị loại khỏi nền công vụ”, GS Ngô Thành Can nhấn mạnh.