Cần 1 tỷ USD để 100% người dân TP.HCM được sử dụng nước sạch
Có nước sạch vẫn dùng nước giếng
Chiều ngày 29/7 HĐND TP tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết 28 của HĐND [có nội dung về 100% người dân phải được sử dụng nước sạch – nước hợp vệ sinh trong năm 2015].
Trong phần đánh giá, đại biểu Cao Thanh Bình cho biết, qua những lần đi giám sát ông nhận thấy giữa số liệu thống kê và thực tế có chênh lệnh, thậm chí là “nhảy múa” nên rất khó để đưa ra giải pháp.
Nhiều hộ dân tại khu vực ngoại thành vẫn phải dùng nước giếng vì chưa có ống dẫn nước sạch. trong ảnh là bồn chứa nước giếng của một người dân tại quận Thủ Đức. |
Bên cạnh đó vẫn có những hộ dân sử dụng nước giếng, dù biết là nước giếng ô nhiễm, trong khi đường nước đi ngay bên cạnh. Những hộ này tập trung ở các quận huyện ngoại thành.
Trong khi đó đại biểu Huỳnh Thị Ngọc Hạnh lại bày tỏ lo lắng về chất lượng nước. Theo bà thì hơn 1.400 mẫu nước tại 7 quận huyện được đưa đi kiểm tra thì hầu hết không đạt yêu cầu.
“Tôi rất hoài nghi về chất lượng nước sạch hiện nay. Liệu chúng ta có lấy mẫu tại 14 quận huyện còn lại để kiểm tra. Nếu kiểm tra liệu có đạt hết?” – bà Hạnh đặt câu hỏi.
Đề cập đến khó khăn của cơ quan cấp nước, một số đại biểu cũng cho rằng các thủ tục để xin hướng tuyến, đào đường lắp đặt ống nước rất lâu. Thậm chí một số tuyến mới thi công đã có quy định phải sau 5 năm mới được đào nên rất khó khăn khi mở rộng.
Từ đó đại biểu kiến nghị các sở ngành cần phải ngồi lại với nhau để giải quyết việc này.
Liên quan đến kinh phí cho kế hoạch cấp nước sạch, bà Đào Hương Lan – Giám đốc Sở Tài chính thông báo, để 100% số hộ có nước sạch – nước hợp vệ sinh thì Thành phố sẽ cần khoảng 22.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD).
Cũng theo bà Lan thì ngân sách sẽ đảm bảo 100% kinh phí lắp đặt bồn nước, còn công ty cấp nước sẽ chịu kinh phí lắm đặt đồng hồ. Bên cạnh đó Sở cũng đang làm việc với một số ngân hàng để tìm mức lãi suất thấp nhất nhằm mua máy lọc nước [cho những nơi không thể lắp đường ống, hay bồn nước].
“Phải nói không ngừng nghỉ”
Trong phần đánh giá của mình, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP đánh giá cao nỗ lực của UBND kể từ sau Nghị quyết 28.
“Chưa có một nhiệm vụ nào mà UBND phân công cụ thể như chương trình này. Có thể nói kết quả 6 tháng vừa qua tương đương với 4 năm trước đó”. – bà Tâm nói.
Tuy vậy bà cũng cho rằng số liệu các quận – huyện, phường – xã báo lên vẫn có độ vênh nhất định [với thực tế] và “nếu chúng ta không kiểm tra lại mà chỉ nhìn những số liệu báo cáo thì sẽ thấy rằng chúng ta đã thực hiện được mục tiêu rồi”.
Bà cũng nhấn mạnh đến việc thực hiện xã hội hóa cấp nước phải đồng bộ. Sở dĩ cần phải vậy là vì tại huyện Củ Chi, dù nhà đầu tư đã lắp đặt đường ống đến tận nhà nhưng nhiều hộ dân vẫn dùng nước giếng.
Tình trạng lắp đặt vài chục ngàn đồng hồ nhưng đa số người dân chỉ dùng từ 0 đến 4 mét khối khiến “nhà đầu tư không chịu nổi” vì không bù được chi phí đã bỏ ra.
Theo bà Tâm thì: “Để giải quyết chuyện này các đơn vị cần tăng cường tuyên truyền, phải phân tích cái hại của việc dùng nước giếng ra sao, ảnh hưởng thế nào. Phải nói như mình hít thở không khí hàng ngày, nói không ngừng, nói đến khi người dân chịu hợp tác với chính quyền”.