Cấm vĩnh viễn hai ô tô lưu thông trên đường cao tốc: VEC lạm quyền, trái luật?
Liên quan đến thông báo của Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) - một công ty thành viên củaTổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khẳng định sẽ từ chối vĩnh viễn hai xe mang biển số 51A-55… và 51G-77… trên tất cả tuyến đường do VEC quản lý, khai thác với lý do hai phương tiện này đã có hành vi cố tình gây rối tại trạm thu phí trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vào chiều 10.2.2019, Luật sư Chu Thị Út Quỳnh – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội khẳng định với Infonet: Đây là việc làm vô lý, trái với Hiến pháp và pháp luật hiện hành của Việt Nam.
Luật sư Chu Thị Út Quỳnh |
Chứng minh cho quan điểm mình đưa ra, Luật sư Chu Thị Út Quỳnh cho biết, VEC hiện đã đầu tư xây dựng và quản lý khai thác các tuyến cao tốc: Hà Nội – Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình; Tp Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Đà Nẵng – Quảng Ngãi... , đây không phải là lần đầu tiên các đơn vị được VEC giao quản lý khai thác (VEC E, VEC S, VEC O&M) cấm các phương tiện vào đường cao tốc do vi phạm các quy định của VEC.
VEC căn cứ Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10.01.2019 của Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam về việc ban hành Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý khai thác.
Theo luật sư Út Quỳnh: "Căn cứ để VEC E từ chối phục vụ là dựa vào quy định nội bộ của VEC (Quyết định 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10/1/2019), tuy nhiên tôi nhấn mạnh rằng đây không phải là quy định pháp luật, mọi quy định nội bộ trái pháp luật đều không có giá trị pháp lý. Do đó, “lệnh” cấm của VEC E với hai phương tiện trên không có giá trị.
Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính thì VEC cũng như VEC E không được pháp luật trao thẩm quyền xử phạt trong trường hợp hai chiếc xe vi phạm như công ty đã thông báo.
Hệ thống pháp luật hiện hành cũng không có quy định nào trao thẩm quyền cho VEC cấm xe ô tô lưu thông trong phạm vi đường giao thông do nhà nước giao cho họ quản lý".
Hiện nay, chưa có Nghị định, Thông tư nào cấm và cũng không có quyền cấm đoán việc sử dụng đường bộ. |
"Tôi thấy rằng đây là việc làm vô lý, trái với Hiến pháp và pháp luật hiện hành của Việt Nam. Cụ thể: thông thường để cấm phương tiện di chuyển trên đường phải được quy định trong luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn có tính quy phạm pháp luật (được ban hành bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chứ không phải doanh nghiệp). Tuy nhiên, hiện nay không có điều luật nào cấm vĩnh viễn xe ô tô di chuyển trên đường.
Thậm chí pháp luật còn quy định, nếu tắc đường thì phải xả trạm, không được tiếp tục thu phí. Tuy VEC được Chính phủ cho hưởng cơ chế đặc thù để tạo điều kiện thuận lợi trong kêu gọi vốn đầu tư xây dựng và được chủ động ở một số lĩnh vực nhưng về bản chất thì cũng như hình thức BOT - đó là dạng hợp đồng hành chính công, có yếu tố Nhà nước, nên doanh nghiệp hoàn toàn không có quyền từ chối phục vụ”, bà Quỳnh nhấn mạnh.
Cũng theo vị luật sư, Luật hàng không dân dụng Việt Nam có quy định về việc cấm bay nhưng việc cấm bay khác bản chất với việc cấm lưu thông trên đường bộ, nếu giả sử luật Giao thông đường bộ cấm cũng không hợp lý, khi đó sẽ trái với tinh thần của Hiến pháp vì đường bộ là hình thức di chuyển tối thiểu của người dân, sử dụng đường bộ là quyền chính đáng.
"Hiện nay, tôi cũng chưa thấy Nghị định, Thông tư nào cấm và cũng không có quyền cấm đoán việc sử dụng đường bộ", luật sư nói.
Do đó, bà Quỳnh nêu quan điểm “sản phẩm của VEC (đường cao tốc) không phải là dịch vụ thông thường, nên Tổng công ty VEC không thể muốn làm gì thì làm được”.
"Phải chăng các tuyến đường BOT mà VEC quản lý là tài sản, lãnh thổ riêng của VEC nên họ muốn cấm ai thì cấm?.
Một góc nhìn khác của tôi đó là nếu cấm thì đối tượng bị cấm là người điều khiển phương tiện chứ không phải là chính phương tiện. Vì phương tiện không phải là đối tượng xử phạt vi phạm hành chính (nếu có).
Trong trường hợp này, lái xe mới là chủ thể vi phạm, còn chiếc xe chỉ là vật vô tri vô giác nên nó không thể là chủ thể vi phạm.
Nếu vi phạm nhẹ thì cơ quan CSGT. Thanh tra giao thông lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt đối với lái xe. Trường hợp phương tiện gây ách tắc giao thông trong thời gian dài thì vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan CSĐT về hành vi gây rối trật tự công cộng xử lý (nếu có)”, bà Quỳnh phân tích thêm.