“Cái dở của ta là nhiều khi hát Quốc ca còn… ngượng”
Còn nặng hình thức
Chia sẻ với Infonet.vn xung quanh vấn đề chấn chỉnh việc tổ chức chào cờ, hát Quốc ca do Trưởng ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vừa đề nghị theo nghị định 145, PGS.TS-Nhạc sĩ Đỗ Xuân Tùng (Trưởng phòng Đào tạo Nhạc viện Hà Nội) cho biết: “Không hát Quốc ca là hiện tượng bất bình thường. Việc hát Quốc ca đối với các nước trên thế giới là người ta đã mặc định đó là tôn vinh, có từ lâu rồi.
Khi chúng ta buộc phải cứ nhắc đi nhắc đi nhắc lại mọi người hay các cơ quan, tổ chức phải chú ý hát Quốc ca đầu tuần hay trong các nghi lễ càng chứng tỏ việc yêu thích rồi tôn kính bài quốc ca của mình “có vấn đề”. Đó là đánh giá đầu tiên của tôi”.
Về nguyên nhân của tình trạng trên, nhạc sĩ Đỗ Xuân Tùng cho rằng: “Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu là do công tác giáo dục, tuyên truyền chúng ta làm chưa tốt. Từ cán bộ công chức rồi đến cả học sinh, nhiều nơi thậm chí không thuộc lời Quốc ca. Ngay cả lãnh đạo cấp cao nhiều vị cũng không để ý đến vấn đề ấy rồi.
Theo tôi, Quốc ca là sự tôn vinh của cả dân tộc chứ không phải là của riêng ai. Không phải Quốc ca ấy là do Bác Hồ đặt ra hay do Đảng đặt ra mà đó là thể hiện sự thiêng liêng của cả dân tộc”.
“Khi hát Quốc ca, theo quan điểm của tôi đó là sự tôn vinh những giá trị, những biểu tượng thiêng liêng của một dân tộc, một đất nước. Ở các nước, việc hát Quốc ca họ rất được coi trọng. Thậm chí ngay cả việc thay đổi chính thể, hay có thể thay đổi đảng cầm quyền nhưng Quốc ca với họ thì chỉ có một thôi, không thay đổi”, nhạc sĩ Đỗ Xuân Tùng chia sẻ.
Theo nhạc sĩ Đỗ Xuân Tùng, cần phải tuyên truyền sao cho người dân coi việc hát Quốc ca là một điều thiêng liêng. Ảnh: T.H |
Nhạc sĩ Đỗ Xuân Tùng kiến nghị: “Bởi vậy cho nên việc giáo dục, tuyên truyền bằng hình thức nào đó về ý thức dân tộc mà để người ta thấm nhuần và thấy việc hát Quốc ca là tự nguyện – cái đích cuối cùng ấy là phải như vậy, chứ không chỉ đơn giản là việc tuyên truyền bằng áp lực hành chính.
Theo tôi, hiện nay quy định hát Quốc ca vẫn mang nặng về hình thức và hành chính, nên sẽ rất khó bền vững. Quy định của Chính phủ, rồi quy định của Bộ, rồi quy định của trường học,… đó chỉ là về phương diện hành chính. Thậm chí đi thi đấu quốc tế cũng quy định là các cầu thủ cũng phải hát Quốc ca, vận động viên lên bục nhận huân chương cũng phải hát quốc ca khi quốc kì được kéo lên…
Nhưng quy định là một chuyện. Rất khó áp đặt máy móc cho rằng cứ có quy định là hết trách nhiệm. Mà cần phải có các biện pháp giáo dục, tuyên truyền nào đó thật mềm dẻo, cũng là để người ta ấp ủ được niềm tự hào, tự tôn dân tộc, mặc định hát Quốc ca là điều thiêng liêng cao quý. Phải hiểu một người dân là phải tôn kính quốc ca, nó như bộ mặt của đất nước mình.
Để từ đó người ta yêu thích và cảm thấy rằng hát là điều tự nhiên, hát bằng tấm lòng, bằng trái tim, bằng sự rung cảm của người ta cơ, chứ không phải là ép buộc”.
Quân đội cũng phải dạy chiến sĩ hát Quốc ca
Nhạc sĩ Đỗ Xuân Tùng cho biết: “Tôi có vài người bạn làm bên quân đội, hôm qua có ngồi nói chuyện với một số anh em, có người bảo nhiều đơn vị quân đội bây giờ còn phải in lời bài hát Quốc ca ra giấy, rồi bắt chiến sĩ học thuộc, chứ không riêng gì thành phố Hà Nội mình đâu.
Chúng ta làm rất nhiều các động tác, nhưng cuối cùng kết quả nhiều khi vẫn không được như mong muốn, người ta vẫn không tự nguyện hát”.
Nhạc sĩ Đỗ Xuân Tùng cũng chỉ ra thực tế: “Hiện nay, ngay cả việc hát Quốc ca rất nhiều người cũng ngượng và ngại. Nhìn nhau mà hát có khi còn ngượng ngập ấy. Tôi cho rằng một điều rất dở của ta là có những người khi hát Quốc ca còn ngượng. Hát Quốc ca không bằng sự hồ hởi tự nhiên đâu, cứ anh này nhìn anh kia có hát không rồi mới hát…”.
“Hay tôi lấy ví dụ như ngay trong chi bộ Đảng, một nghi lễ tối thiểu là phải hát Quốc ca khi làm lễ kết nạp Đảng viên trẻ chẳng hạn, nhưng mà nhiều khi không phải là tự nguyện hát một cách hồ hởi, nhiệt tình đâu, mà có khi còn phải nhìn xem anh bên cạnh có hát không rồi tôi mới hát theo. Hay là cả số đông ấy có người nào hát lên thì người khác mới hát theo, chứ không phải là tự nguyện của từng người”, nhạc sĩ Đỗ Xuân Tùng dẫn chứng.
Về cơ chế kiểm soát việc hát Quốc ca trong các tổ chức, cơ quan nhà nước hiện nay, nhạc sĩ Đỗ Xuân Tùng cho rằng: “Theo tôi, biện pháp hành chính thì cứ làm nhưng đừng tưởng đó là biện pháp duy nhất để đạt được mục đích cao nhất. Mục đích cao nhất ở đây được hiểu là anh làm thế nào để người hát phải hát bằng sự tự nguyện, sự tôn kính, hát bằng trách nhiệm công dân. Đây là vấn đề mà ta chưa chú ý tuyên truyền.
Đừng áp đặt hành chính nhiều quá, bắt phải thế này bắt phải thế kia. Nhưng ngay cả khi bắt buộc xong rồi người ta không tự nguyện thì đó cũng không thành công.
Theo tôi, hiện tượng này không nằm ở một số cơ quan công sở thành phố, mà hiện tượng này khá phổ biến ở nhiều nơi. Thực ra lời bài hát Quốc ca đâu có khó thuộc, lời Quốc ca vang đi vang lại mãi rồi người ta cũng thuộc vài câu. Nhưng có nhữn trường hợp, khi bảo hát Quốc ca từ đầu đến cuối, nhiều người vẫn không hát được đâu. Thế thì chịu thật rồi”.
Theo nhạc sĩ Đỗ Xuân Tùng, bài hát “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao được chọn làm Quốc ca còn ghi dấu ấn đậm nét của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau Cách mạng tang Tám thành công và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã góp ý chọn bài hát “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao làm Quốc ca vì theo Người là giai điệu khỏe khoắn, trầm hùng và dễ thuộc. Còn bài hát “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi hay bài hát “Thanh niên hành khúc” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước khi đó cũng được đưa ra nhưng sau đó không được lựa chọn vì dài và khó thuộc.