Cải cách bộ máy hành chính: "Dù phải lấy đá ghè chính chân mình cũng phải làm"
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân |
Dẫn lại vụ cống nước tại 146 Quán Thánh, Hà Nội, đại biểu Phạm Trọng Nhân gọi đây như gáo nước dội vào nền hành chính vì dân phục vụ.
"Cái cống nước ở Quán Thánh ô nhiễm nhưng nó không ô nhiễm bằng tư duy, nhận thức đang len lỏi trong một bộ phận cán bộ công chức hiện nay. Liệu đây có phải là nền hành chính mà chúng ta đang xây dựng và người dân đang mong mỏi từ Nhà nước. Câu trả lời là không", đại biểu Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh.
Theo đại biểu Nhân, quan trọng nhất trong tinh giản biên chế là nhận thức, tư duy cán bộ có đủ dũng khí bước qua vật cản giống như bước qua cái cống Quán Thánh hay không.
"Cải cách bộ máy hành chính Nhà nước tưởng dễ mà lại quá khó, khó chủ yếu là lòng người. Nếu lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm quá lớn thì cần thiết một bàn tay sắt. Phải xác định tăng biên chế, bộ máy là tham nhũng thì mới xử lý rốt ráo được. Phải sửa chữa ngôi nhà dột từ bên trong. Trong cuộc cải cách này dù phải lấy đá ghè chính chân mình cũng phải làm", đại biểu Nhân nêu.
Tương tự, ĐB Lê Thanh Vân cho rằng, báo cáo giám sát đã làm rõ thực trạng của bộ máy hành chính nhà nước hiện nay. Đại biểu cho rằng, phải chỉ rõ nguyên nhân bệnh cũng như giải pháp để trị bệnh.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân |
Về "bắt bệnh", có 2 nguyên nhân căn bản, gốc rễ, đó là hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước thời gian qua chưa thực hiện đúng nguyên lý là kiểm soát quyền lực và phân công quyền lực, đây là gốc rễ của mọi vấn đề. Trong khi đó, chúng ta nhấn mạnh đến phối hợp và từ đây phối hợp đẻ ra một loạt cơ chế trung gian, ban chỉ đạo và đùn đẩy trách nhiệm khi có sự việc.
Nguyên nhân thứ hai, theo ĐB Lê Thanh Vân là Quốc hội phân công quyền lực chủ yếu là các thiết chế quyền lực ở Trung ương và giao nhiệm vụ cơ bản trong khi đó không kiểm soát được sự kết hợp giữa ngân sách và biên chế.
“Quốc hội thì kiểm soát ngân sách trong khi đó biên chế do Chính phủ quyết định, còn Uỷ ban TVQH được uỷ quyền lập pháp thì chủ yếu phân bổ chỉ tiêu biên chế cho cơ quan tư pháp và kiểm toán nhà nước. Cho nên cân đối nguồn lực giữa ngân sách và bộ máy luôn luôn thâm hụt, hàng năm thường phải điều chỉnh”- ĐB Lê Thanh Vân nhấn mạnh.
Nguyên nhân thứ ba là chưa xây dựng thể chế nhân sự hoàn chỉnh, đủ điều kiện và căn cứ làm công thức cho việc đánh giá cán bộ, lựa chọn và sử dụng cán bộ. Thực tế chúng ta không đong đếm được số lượng và càng không đong đếm được chất lượng cán bộ. Vì vậy có tình trạng cán bộ thì đông nhưng chất lượng thì kém, đặc biệt đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý còn yếu trong tuyển chọn.
"Do đó, thời gian qua có cả những phát ngôn gây sốc trong dư luận với những câu kỳ quặc. Cán bộ lãnh đạo một số nơi và trong nhiều trường hợp không ngang tầm, xưa kia chọn quan lại là chọn những người tinh thông thiên địa, thấu tỏ nhân tâm, có như vậy mới dẫn dắt được muôn dân, dẫn dắt tập thể, tạo cảm hứng cho tập thể đi theo" - ĐB Lê Thanh Vân nói.