Cách xử lý dằm đâm vào tay, chân không lấy ra được
Cách 1: Dùng nhíp
Đầu tiên, rửa sạch vùng da bị dằm đâm bằng nước ấm và xà phòng. Bước này là để ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng. Sau đó lau khô.
Dùng cồn để khử trùng nhíp để tránh trường hợp vi khuẩn có thể xâm nhập vào vết thương.
Ảnh minh họa. |
Cho vùng bị cắm dằm dưới ánh sáng tốt. Dùng kính lúp soi vào chỗ dằm để có thể nhìn rõ hơn và dùng nhíp gắp ra.
Nếu dằm đâm quá sâu, bạn hãy sát trùng một cây kim nhỏ. Dùng kim để rạch hay lật lớp da ở bên trên chiếc dằm trước khi dùng nhíp lôi nó ra.
Cách 2: Dùng băng dính
Bạn có thể dùng băng dính để lấy những chiếc dằm như gai hoặc mảnh thủy tinh rất nhỏ. Trước khi dùng băng dính, bạn cũng phải làm sạch và lau khô vùng da bị cắm dằm.
Dán một miếng băng dính lên chiếc dằm và ấn mạnh xuống để băng dính dính vào dằm và từ từ rút ra. Chú ý ấn sao cho chiếc dằm không cắm sâu hơn vào da.
Cách 3: Dùng keo dán
Bôi keo dán thủ công vào chiếc dằm và vùng da xung quanh. Keo dán phải phủ hoàn toàn phần lộ ra của chiếc dằm. Để keo khô đi rồi bóc lớp keo ra theo chiều có thể rút được dằm ra khỏi tay.
Chú ý không dùng keo siêu dính.
Lưu ý một vài trường hợp bạn cần sự trợ giúp của bác sĩ:
Dằm đâm sâu hơn 0,5 cm hoặc đâm vào những vùng nhạy cảm như mắt.
Vết thương bị nhiễm trùng và không thể lấy ra.
Nếu chưa tiêm phòng uốn ván hoặc mũi uốn ván cuối cùng đến khi bị dằm đâm là cách đây 5 năm.