Cách rút tỉa chân nhang tránh hao tán tài lộc năm 2023
Theo truyền thống, mỗi khi năm hết Tết đến, các gia đình thường lau dọn ban thờ thổ công, gia tiên để mời tổ tiên về ăn Tết. Công việc này cần phải làm một cách thành kính, cẩn trọng.
Thời gian dọn dẹp ban thờ, rút tỉa chân nhang thường là sau lễ cúng ông Công ông Táo. Người thực hiện công việc này phải chỉn chu, có tâm trong việc thờ cúng.
Nhiều gia đình cẩn thận còn biện sửa lễ vật xin phép, có lời thông báo để các cụ “tạm lánh” trong thời gian con cháu dọn dẹp. Sau khi thắp một nén hương xin phép trên ban thờ, gia chủ sẽ rút từng chân hương cho đến khi còn lại một vài chân hương đẹp nhất.
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho biết, trên ban thờ, bát hương là vị trí phải an vị, tĩnh tại không bao giờ được xê dịch. Nếu xê dịch, gia chủ phải làm lễ xin xê dịch và sau đó xin an vị.
Đồng thời, chủ nhà phải nhớ, nếu trạch chủ (người đứng tên nhập trạch) là nam nhân thì để 7, 17, 27, hoặc 37 chân nhang lại trên bát hương. Với trạch chủ là nữ nhân, khi rút chân nhang thì để lại 9, 19 hoặc 29, 39 chân nhang.
Sau đó, gia chủ sử dụng hỗn hợp nước có 5 mùi hương (loại dung dịch được bán sẵn) hoặc sử dụng hương tự nhiên từ các loại lá như: lá bưởi, lá hương nhu, bồ kết... để lau dọn ban thờ.
Người rút tỉa chân nhang phải thành tâm. (Ảnh minh họa: Thành Luân).
Nhà nghiên cứu phong thủy Bùi Quang Minh cho biết, chân nhang đã rút nên được mang đi hóa thành tro rồi vùi vào gốc cây.
Nếu được, gia chủ nên vùi vào gốc cây chuối bởi đây là loài cây mang ý nghĩa “lá rụng về cội” rất cao đẹp. Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu cũng lưu ý, tuyệt đối không được vứt chân nhang vào thùng rác hoặc các nơi ô uế. Việc mang tro thả sông cũng không nên bởi sẽ làm sông ô nhiễm.
Việc tỉa chân nhang không kèm theo điển tích nào của người xưa, mà chỉ là một công việc dọn dẹp bình thường, bỏ đi những thứ thừa thải. Tuy nhiên, việc này phải được làm cẩn thận để không bị tán tài lộc, ảnh hưởng đến gia đình.
Vịnh Nhi (tổng hợp)