Các vấn đề xã hội dễ bị “đắp chiếu” vì không gây hậu quả... "chết người" ngay
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. |
Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trên diễn đàn Quốc hội và tất cả diễn đàn, công luận ngày càng quan tâm đến vấn đề xã hội như bạo lực, sự xuống cấp đạo đức trong y tế, giáo dục... Điều này phản ánh đúng quy luật của các nước đang phát triển. Tuy nhiên, so với vấn đề môi trường, vấn đề xã hội thường được nhận diện chậm hơn, cần nguồn lực và thời gian nhiều hơn để giải quyết. Do đó, Phó Thủ tướng tha thiết đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thật chú ý đến các vấn đề xã hội.
Vấn đề này đã trở thành quy luật vì sức ép phát triển kinh tế. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục không làm ra tiền ngay mà lại "tiêu tiền" nên trong quá trình phát triển, nguồn lực thường được ưu tiên dồn vào chỗ sinh lời.
Thứ hai, các vấn đề xã hội dễ bị "đắp chiếu" để đấy vì không gây hậu quả... "chết người" ngay, song càng để lâu càng khó giải quyết.
Thứ ba, với các vấn đề chuyên sâu về tài chính, kinh tế, ngân hàng, khoa học... cán bộ cấp cơ sở biết rằng mình không biết sâu nên chú trọng tham khảo ý kiến nhà chuyên môn khoa học. Nhưng với các vấn đề xã hội, cán bộ cơ sở thường cho rằng mình đã đủ hiểu nhưng thật ra là chưa hiểu bài bản.
Trong lĩnh vực giáo dục, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân có nói về biên chế. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cần phải hiểu đúng Nghị quyết của Trung ương về sắp xếp và giảm biên chế của bộ phận gián tiếp, đặc biệt tình trạng thừa nhưng thiếu giáo viên cục bộ ở các nơi.
“Sắp xếp giáo viên, nhất là bậc phổ thông thì phải tùy vào từng ngành, từng môn, từng địa bàn, không thể điều giáo viên từ huyện này sang huyện khác dạy. Cho nên chỗ thừa chúng ta loại ra dần, chuyển đổi có thời gian, nhưng chỗ thiếu không vì thế mà không tuyển ngay. Về nguyên tắc, chúng ta phải đủ giáo viên cho học sinh, đấy là chưa kể tiến tới việc học 2 buổi, giảm sĩ số lớp theo đúng tiêu chuẩn thì còn phải tăng nữa”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Đối với vấn đề nhà vệ sinh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị không chỉ trong trường học, trạm y tế, bệnh viện mà nhà vệ sinh công cộng cần có quyết tâm cao với tinh thần như Thủ tướng nói “việc bé nhưng không bé”.
Theo đó ở các điểm du lịch, nơi công cộng, điểm dừng ở trạm xăng cần làm nhà vệ sinh. Các nhà nghiên cứu xã hội cũng như nhà quan sát xã hội ở các nước phát triển hiện có ba chỉ số quan sát xã hội quan trọng. Thứ nhất, họ quan sát văn minh giao thông trên đường, nếu mà trước đèn đỏ dừng, chứng tỏ người dân tôn trọng pháp luật, Nhà nước pháp quyền được xác lập tốt. Thứ hai, vấn đề minh bạch, họ xem các chợ có nhiều chợ niêm yết giá. Chỉ số thứ 3 chính là nhà vệ sinh công cộng. Chúng ta nên làm ba việc này, rất nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn, chứng tỏ đất nước thực sự hội nhập.
Trước đó, báo cáo về lĩnh vực giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng báo cáo về vệ sinh, công trình nước sạch trong trường học. Đây là vấn đề Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rất quan tâm và chỉ đạo sát sao. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng các công trình vệ sinh trong trường học xuống cấp rất nhiều. Đối với các bậc học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị lãnh đạo các địa phương tiếp tục quan tâm trích ngân sách trong dịp hè này cho các công trình vệ sinh, nước sạch để ít nhất vào năm học mới, thầy và trò có công trình vệ sinh đảm bảo điều kiện tối thiểu.
Trước ý kiến của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: “Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phải chịu trách nhiệm giải quyết dứt điểm nhà vệ sinh trong trường học trong dịp hè này. Bộ Y tế cũng như vậy. Không thể để tình trạng hôi thối kéo dài nhiều thập kỷ qua. Chúng ta cứ nói mãi vấn đề này. Việc nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn với con em chúng ta”.