Các mức phạt với hành vi gây sợ hãi cho vật nuôi, chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh môi trường
Người nào đánh đập vật nuôi sẽ bị phạt tới 3.000.000 đồng, không gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ cũng bị phạt tiền tới 5.000.000 đồng. Hộ chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh môi trường bị phạt tới 1.000.000 đồng.
Vật nuôi theo quy định hiện hành gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi, gồm trâu, bò, lợn, gà, chó, mèo, ngan, ngỗng, vịt...
Trong xã hội ngày nay, có thể thấy, mục đích nuôi chó mèo không chỉ vì nuôi chó để giữ nhà, nuôi mèo để bắt chuột nữa, mà chúng còn là những người bạn thân, là thành viên trong gia đình và cũng được đối xử công bằng và yêu thương. Hơn nữa, chó mèo là loài động vật nuôi không có khả năng tự bảo vệ, phụ thuộc rất nhiều vào chủ, có nhiều người vẫn xem chó mèo là tài sản chứ không phải là một cá thể sống nên tự cho mình quyền hành hạ, ngược đãi những con vật này. Đây là hành vi tàn nhẫn, làm xã hội phẫn nộ và đáng bị lên án.
Nghị định 14/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 20/4/2021 quy định rõ việc xử phạt hành chính về chăn nuôi quy định rõ, hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi (chó, mèo...) sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng. Đây là một trong số các quy định mới người dân cần lưu ý, đặc biệt với những người đang nuôi chó, mèo.
Hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi (chó, mèo...) sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng. (Ảnh minh họa) |
Với mô hình chăn nuôi nông hộ (chăn nuôi nhỏ lẻ tại hộ gia đình), nếu không có biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và gây ảnh hưởng đến người xung quanh sẽ bị phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Bên cạnh đó, buộc phải khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục…
Đối với chăn nuôi trang trại, hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bị xử phạt từ 1.000.000 đến 7.000.000 đồng, tùy theo quy mô trang trại.
Hành vi vi phạm quy định về xử lý nước thải chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi cho cây trồng bị xử phạt từ 3.000.000 đến 10.000.000 đồng, mức phạt phụ thuộc và quy mô trang trại và mức độ vi phạm.
Với hành vi vi phạm quy định về xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi, chủ trang trại cũng sẽ bị xử phạt tiền từ 3.000.000 đến 10.000.000 đồng, mức phạt phụ thuộc và quy mô trang trại và mức độ vi phạm.
Điều 27 của Nghị định này nêu rõ quy định xử phạt với các hành vi vi phạm áp dụng với mô hình chăn nuôi chim yến.
Cụ thể, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng loa phóng phát âm thanh để dẫn dụ chim yến trong trường hợp nhà yến nằm trong khu dân cư, nhà yến cách khu dân cư dưới 300m hoạt động trước ngày Nghị định số 13/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: a) Sử dụng thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến vượt mức tiếng ồn tối đa cho phép theo quy định; b) Phát âm thanh để dẫn dụ chim yến ngoài khoảng thời gian theo quy định.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi săn bắt, dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích nuôi chim yến để khai thác tổ yến hoặc nghiên cứu khoa học.
Với cơ sở giết mổ tập trung, nếu có vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 29 của Nghị định này. Cụ thể, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi.
Các hành vi bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng bao gồm: a) Không có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh trước khi giết mổ; b) Đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ; c) Không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ.
Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cản trở, phá hoại, xâm phạm trái phép hoạt động chăn nuôi hợp pháp.
Hành vi đưa vật thể lạ, bơm nước cưỡng bức hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trên cạn trước khi giết mổ bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm dưới 100kg; b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 100 kg đến dưới 500kg; c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 500kg đến dưới 1.000kg; d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 1.000kg trở lên.
Trước đây, quy định đối xử nhân đạo với vật nuôi lần đầu tiên được đưa vào Luật Chăn nuôi 2018. Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 với các quy định về việc phải đối xử nhân đạo với vật nuôi, vật nuôi phải được gây ngất trước khi giết mổ, không để vật nuôi phải chứng kiến cảnh đồng loại bị giết mổ; hạn chế làm chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi…
Theo quy định của Luật, trong hoạt động chăn nuôi, tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải thực hiện các yêu cầu: Có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; Cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; Phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; Không đánh đập, hành hạ vật nuôi.
Trong vận chuyển, tổ chức, cá nhân vận chuyển vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu: Sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi phù hợp, bảo đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi; Cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi; Không đánh đập, hành hạ vật nuôi.
Trong giết mổ, cơ sở giết mổ vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu: Có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh; cung cấp nước uống phù hợp với vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ; Hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi; Có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ.
Trong nghiên cứu khoa học và hoạt động khác, vật nuôi sử dụng trong nghiên cứu khoa học và hoạt động khác phải được đối xử nhân đạo theo các quy định nói trên.
Tuy nhiên, Luật Chăn nuôi cũng quy định việc đối xử nhân đạo với vật nuôi phải tôn trọng, hài hòa với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa truyền thống và được cộng đồng xã hội chấp thuận.
P. Liên