Các điểm mới trong Dự thảo Luật du lịch (sửa đổi)
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện |
Tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, bên cạnh những tác động tích cực thì quá trình triển khai Luật du lịch đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng tới hoạt động và sự phát triển của ngành du lịch. Do đó, vệc xây dựng Luật du lịch (sửa đổi) nhằm đảm bảo tính minh bạch và khả thi, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thi hành Hiến pháp năm 2013; đồng bộ với các bộ luật, luật mới được ban hành; thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động du lịch, nâng cao nhận thức, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, tạo cơ sở pháp lý nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) có 10 Chương, 79 Điều, được bố cục theo hướng hợp lý hơn so với Luật du lịch hiện hành. Trên cơ sở mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật, phạm vi sửa đổi Luật du lịch được xác định là cơ bản và toàn diện. Dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) sửa đổi, bổ sung 56 điều, quy định mới 21 điều và giữ nguyên 2 điều.
Theo đó, đáng lưu ý có quy định sửa đổi về lữ hành (Chương VI, Mục 1). Dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) bổ sung quy định về giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa, đưa quy định về kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế về mặt bằng chung, đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách du lịch. Điều kiện kinh doanh lữ hành được quy định đơn giản hơn, giảm từ 5 điều kiện xuống 3 điều kiện.
Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và sự bình đẳng của khách du lịch, dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) đã quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành mua bảo hiểm cho tất cả khách du lịch thay vì chỉ mua bảo hiểm cho khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài như quy định tại Luật du lịch.
Nhằm mục đích đảm bảo phù hợp với quy định của Luật đầu tư 2014 và Luật doanh nghiệp 2014, dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được kinh doanh lữ hành đưa khách du lịch vào Việt Nam và đưa khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài, không giới hạn ở loại hình doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi của khách du lịch, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp trong hoạt động lữ hành.
Mở rộng đối tượng cấp đổi thẻ Hướng dẫn viên du lịch
Về hướng dẫn du lịch (Chương VI, Mục 3), để phù hợp với thực tiễn, dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) quy định hướng dẫn viên theo chương trình du lịch và hướng dẫn viên tại điểm. Điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên được quy định thống nhất và đơn giản hơn, không phân biệt hướng dẫn viên nội địa và hướng dẫn viên quốc tế, chỉ căn cứ vào ngôn ngữ sử dụng khi hướng dẫn khách du lịch. Yêu cầu về trình độ chuyên môn của người đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên theo chương trình du lịch được điều chỉnh từ trình độ cử nhân chuyên ngành hướng dẫn du lịch xuống trình độ trung cấp chuyên ngành hướng dẫn du lịch. Quy định mới này dự kiến là một trong những biện pháp cần thiết nhằm giải quyết tình trạng thiếu hướng dẫn viên trong mùa du lịch cao điểm như hiện nay.
Dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) sử dụng khái niệm “hướng dẫn viên du lịch tại điểm” thay cho khái niệm “thuyết minh viên”; bổ sung quy định về điều kiện, thẩm quyền cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm.
Trên cơ sở vai trò quan trọng của hướng dẫn viên du lịch trong việc cung cấp, truyền tải thông tin về sản phẩm du lịch, bản sắc văn hóa dân tộc, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, Luật du lịch quy định hướng dẫn viên được hành nghề khi có hợp đồng với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện thực tế, tạo sự sẵn sàng, đa dạng về loại hình cung cấp dịch vụ hướng dẫn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng của dịch vụ, Dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) mở rộng điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên, theo đó, ngoài việc hành nghề trên cơ sở hợp đồng giao kết với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên có thể hành nghề theo hợp đồng giao kết với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn hoặc tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.
Về kinh doanh dịch vụ du lịch khác (Chương VII, mục 2), khách du lịch ngoài việc sử dụng các dịch vụ du lịch cơ bản như lữ hành, hướng dẫn du lịch, lưu trú du lịch còn có thể sử dụng nhiều dịch vụ liên quan như mua sắm, ăn uống, giải trí, thể thao… Để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp, bảo vệ quyền lợi của khách du lịch, góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch và hình ảnh của tổ chức, cá nhân kinh doanh, Dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) quy định việc cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Việc cấp biển hiệu được thực hiện trên cơ sở tự nguyện và không giới hạn trong phạm vi khu du lịch, điểm du lịch như quy định tại Luật du lịch.