Các địa phương hiến kế giải cứu nền kinh tế
Chia sẻ đầu tiên tại hội nghị trực tuyến ngày 25/12, Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho biết, tăng trưởng kinh tế Thủ đô tuy không đạt trên 10% so với kế hoạch đề ra, nhưng vẫn bằng 1,5 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. Mục tiêu năm 2013 đã được Hà Nội thông qua vẫn tập trung kiềm chế lạm phát thấp hơn, duy trì tăng trưởng cao hơn. Cụ thể chỉ tiêu tăng trưởng của Hà Nội từ 8 – 8,5% trong năm 2013.
Đối với việc tháo gỡ khó khăn cho DN, dự thảo Nghị quyết đề ra thực hiện trong vòng một năm, Phó Chủ tịch Hà Nội kiến nghị kéo dài thêm thời gian trong 24 tháng. Nếu DN đầu tư chỉ một năm thì họ cũng cảm thấy chưa yên tâm, vì thế có thể kéo dài đến hết 2014 về những giải pháp nêu trong dự thảo nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho DN. Trên cơ sở Luật Thủ đô đã thông qua, Hà Nội mong được sớm cụ thể hóa những cơ chế chính sách tạo điều kiện để thành phố Hà Nội thực hiện tốt hơn. Ngoài ra Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ cho phép phát hành thêm trái phiếu 5 nghìn tỷ đồng mà HĐND đã thông qua.
Nhiều địa phương kiến nghị các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế trong năm 2013. Ảnh CP |
Là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân đánh giá năm 2012 là một trong những năm kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn thách thức so với 10 năm trở lại đây. Ông Quân cho rằng 2013 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2011 – 2015. Bước sang năm 2013 cả nước phải phấn đấu trên 5,5% phát triển kinh tế, riêng TPHCM sẽ phải phấn đấu trên 10% để tạo ra được chuyển biến tích cực trong những năm còn lại của kế hoạch 5 năm.
Người đứng đầu UBND TP HCM cũng kiến nghị Chính phủ cần hết sức chú ý trong điều hành kinh tế vĩ mô. Tập trung giải quyết tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, vì thị trường này tác động đến nhiều thị trường khác. Sau khi ban hành nghị quyết đề nghị ngành ngân hàng, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính cụ thể hóa ngay văn bản pháp quy để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.
Đi vào vấn đề cụ thể, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo ngân hàng hạ lãi suất cho vay, miễn giảm thuế cho DN. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đề nghị rà soát, di dời các dự án ra khỏi trung tâm thành phố sớm hơn. Tuyến đường cao tốc qua thành phố cần sớm triển khai. Chủ tịch TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ cho thành phố việc ứng vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện các công trình có mức giải ngân vượt so với mức phân bổ.
Cùng đề nghị Chính phủ tập trung cao tháo gỡ khó khăn cho DN Chủ tịch TP Hải Phòng Dương Anh Điền phản ánh tình trạng nhiều DN Hải Phòng đang gặp khó khăn trong việc thu hồi đất. “Mặc dù đã được luật cho phép, nhưng thu hồi như thế nào, quy trình cụ thể ra sao vẫn còn chưa rõ. Vì thế Chính phủ sớm hướng dẫn để DN nắm được quy trình thực hiện thu hồi như thế nào”.
Ủng hộ việc giãn, giảm miễn thuế, nhưng theo lãnh đạo Hải Phòng đây là nguồn thu quan trọng của địa phương, vì thế khi thực hiện mục tiêu này Chính phủ cũng nên có chính sách hỗ trợ ngân sách cho địa phương. Về tái cơ cấu DNNN, khi phân tích cụ thể thì tầm ảnh hưởng, khó khăn của DNNN không giống nhau. Vì thế ông Điền kiến nghị Chính phủ cần phân loại các DN có tầm ảnh hưởng lớn, quy mô lớn nên có giải pháp đặc thù riêng.
Từ góc độ địa phương, tỉnh Bắc Cạn kiến nghị một số giải pháp trong chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, giải pháp trồng rừng phải được xem như giải pháp tích cực, vừa tăng nhanh hệ số phủ rừng, vừa đảm bảo sự bền vững trong phát triển quốc gia, đồng thời cũng chính là giải pháp xóa đói giảm nghèo đối với các tỉnh miền núi vốn đang khó khăn về kinh tế nhưng lại có tiềm năng về phát triển rừng. Trong vài năm gần đây, Bắc Kạn đã tăng nhanh về tỷ lệ trồng rừng. 2012 Bắc Kạn trồng được 13.800 ha, năm 2013 dự kiến trồng tiếp 13.500 ha. Như vậy trong 4 năm qua địa phương đã tăng mỗi năm gấp 4 lần tỷ lệ trồng rừng so với các năm trước.
Tỉnh Bắc Cạn đề nghị Chính phủ có chính sách phát triển hạ tầng dân sinh, như làm đường cho vùng trồng cây lâm nghiệp. Trong phát triển tam nông đã đi vào cuộc sống, rất khả thi, tiềm năng còn phát triển rất lớn. Cho rằng nông nghiệp là cứu cánh cho nền kinh tế, Bắc Kạn đề nghị tập trung quyết liệt hơn vào lĩnh vực nông lâm nghiệp, tận dụng lợi thế về đất đai, đa dạng sinh học, cùng lao động sẵn có đưa nông nghiệp phát triển nhanh cho các tỉnh miền núi.
Nêu tình trạng lãi suất còn cao, khó khăn tiếp cận vốn, cải cách hành chính còn cản trở cho phát triển. Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cũng phản ảnh tình trạng tái định cư định canh cho đồng bào thủy điện còn khó khăn, đất sản xuất còn thiếu, nguy cơ tái nghèo cao. Tỉnh Đắk Nông đề nghị Chính phủ đầu tư hạ tầng cho Tây Nguyên, các tỉnh quá nghèo quá khó khăn nên có cơ chế đặc thù không nên đầu tư dàn trải, đồng đều. Lãnh đạo tỉnh cũng đề xuất giải quyết khó khăn việc di dân tự do, phá rừng đang rất nan giải ở Tây Nguyên hiện nay.