Các đại lý lớn đặc biệt quan tâm Whitelist, Blacklist quảng cáo trên mạng
Những năm gần đây, quảng cáo trên mạng phát triển nhanh chóng, trở thành xu thế tất yếu nhờ khả năng tiếp cận khách hàng lớn, chi phí linh hoạt, hiệu quả cao. Tuy nhiên, quảng cáo xuyên biên giới cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khi người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo không thể bảo đảm quản lý tốt vị trí hiển thị. Quảng cáo bị cài đặt vào các nội dung nhảm nhí, phản cảm, thậm chí là xấu độc, chống phá chính quyền, vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Không những thế, dòng tiền quảng cáo được nền tảng xuyên biên giới chia sẻ cho các đối tượng sản xuất nội dung vi phạm pháp luật, qua đó tiếp tay cho hành vi chống phá Đảng, Nhà nước, phát tán tin giả, tin xấu độc trên môi trường mạng.
Trước thực trạng kể trên, cuối tháng 11/2022, Bộ TT&TT đã có cuộc họp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo, doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ quảng cáo và những đơn vị kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Tại cuộc họp, Bộ TT&TT đã công khai các giải pháp sẽ triển khai để bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh quảng cáo lành mạnh, an toàn, cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Việc xây dựng và công bố danh sách nội dung “đã được xác thực” - Whitelist và nội dung “đen” (Blacklist) của Việt Nam là một trong những giải pháp mới của Bộ TT&TT nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên Internet. Whitelist mới được Bộ TT&TT công bố vào trung tuần tháng 3/2023. Trước đó, trong 8 tháng cuối năm 2022, Bộ TT&TT đã 3 lần công bố các website có dấu hiệu vi phạm pháp luật để yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo nắm được và không hợp tác phát hành sản phẩm quảng cáo với những trang này. Tổng số website vi phạm pháp luật mà Bộ TT&TT đã công bố trong năm ngoái là 171 trang.
Tại họp báo của Bộ TT&TT chiều ngày 6/4, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Bộ TT&TT đang áp dụng nhiều phương pháp để đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới, từ kinh tế, kỹ thuật đến pháp lý, truyền thông. Vừa qua, Bộ cũng đã có động thái để điều tiết dòng tiền quảng cáo trên không gian mạng không chảy về những nội dung xấu độc.
“Việc này cần được kêu gọi một cách rộng rãi và mạnh mẽ để các sản phẩm thương hiệu, sản phẩm dịch vụ hợp pháp của Việt Nam đang quảng cáo trên môi trường Internet thể hiện sự đồng hành với nhà nước, Chính phủ, xã hội bằng cách không đưa tiền, không quảng cáo sản phẩm của mình vào những kênh nội dung xấu độc”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
Trao đổi với VietNamNet bên lề buổi họp báo ngày 6/4, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, hiện cơ quan này chưa có đánh giá, thống kê cụ thể về chuyển biến của các doanh nghiệp sau khi Bộ công bố Whitelist cũng như có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, các nhãn hàng tuân thủ pháp luật về quảng cáo trên mạng.
“Tuy nhiên, bước đầu ghi nhận phản hồi của khoảng 30 đại lý quảng cáo lớn cho thấy các đơn vị này đều rất quan tâm. Kiểm tra sơ bộ, các doanh nghiệp đều đã áp dụng Blacklist. Với Whitelist thì sẽ có độ trễ, bởi lẽ việc book quảng cáo phải có kế hoạch. Các đại lý quảng cáo cũng thông tin lại với chúng tôi là sẽ áp dụng trong thời gian tới”, ông Lê Quang Tự Do thông tin.
Cũng theo đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, hiện nay Cục rà quét hàng ngày để xử lý nghiêm các doanh nghiệp, đại lý quảng cáo, nhãn hàng có hành vi quảng cáo trên các trang có nội dung thông tin xấu độc. “Thời gian qua, chúng tôi đã xử phạt nhiều doanh nghiệp để xảy ra tình trạng quảng cáo vào các nội dung xấu độc”, ông Lê Quang Tự Do cho hay.
Trước đó, trong công văn ngày 23/3 gửi các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam và các nhãn hàng, doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động quảng cáo, Bộ TT&TT đã yêu cầu các doanh nghiệp, nhãn hàng tăng cường rà soát, sàng lọc vị trí cài đặt quảng cáo trên mạng. Mục đích là không để quảng cáo bị gắn vào những trang, kênh, tài khoản, nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật; chấm dứt tình trạng quảng cáo tràn lan không kiểm soát, dẫn đến việc gián tiếp tiếp tay cho các nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật được sản xuất và phát tán trên không gian mạng.
Các nhãn hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo cũng được đề nghị chủ động xây dựng danh sách nội dung “xấu độc” trên mạng của đơn vị (Blacklist) để loại trừ quảng cáo. Bộ TT&TT khẳng định thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đặt quảng cáo vào nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật.
Vân Anh