Các đại biểu Quốc hội nói gì về dự án Luật Quy hoạch?
Các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Quy hoạch |
Kiến nghị bỏ khoản 2 Điều 7
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) bày tỏ đồng thuận cao với sự cần thiết phải ban hành Luật Quy hoạch và nhấn mạnh quan điểm phải làm sao để quy hoạch phải phù hợp với năng lực và khả năng tài chính của đất nước.
“Thời gian vừa qua chúng ta đã xây dựng quá nhiều quy hoạch, với trên 19.200 quy hoạch, so với số lượng quy hoạch cách đây 10 năm (khoảng 3.000 quy hoạch) thì đã có sự tăng đột biến về lượng, vượt quá khả năng chịu đựng của nền kinh tế” – đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân |
Theo đại biểu Hoàng Ngân, về kinh phí cho hoạt động quy hoạch thì nên nghiên cứu bỏ khoản 2 Điều 7 (Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ kinh phí cho các hoạt động quy hoạch). Theo ông, hoạt động quy hoạch là hoạt động chung của quốc gia và ngân sách quốc gia đủ để chi trả cho hoạt động này. “Nếu để cá nhân, tổ chức tài trợ, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động quy hoạch này thì e rằng sẽ có những tác động nhất định, tạo lợi ích cho tổ chức, cá nhân tài trợ” – ông Ngân băn khoăn.
Liên quan đến việc phê duyệt quy hoạch cũng như thẩm quyền quyết định quy hoạch, đại biểu Ngân khẳng định quan điểm, những vấn đề mang tầm quốc gia, quy hoạch tổng thể, chiến lược cấp quốc gia thì phải do Quốc hội quyết định, những quy hoạch vùng thì Thủ tướng Chính phủ quyết định, quy hoạch tỉnh, thành phố thì do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quyết định. Bởi vì quy hoạch tổng thể cấp quốc gia có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc quyết định phân bổ các nguồn lực, phân công lao động một cách hợp lý cho từng khu vực.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Thị Phương Hoa (đoàn Hà Nội) cũng nhấn mạnh, sau 30 năm đổi mới, nền kinh tế của đất nước đã có nhiều thay đổi, quy mô nền kinh tế lớn gấp nhiều lần trước đây, trong khi công tác quy hoạch chưa theo kịp với sự đổi mới và bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém.
Quy hoạch được lập quá nhiều, nhưng chất lượng quy hoạch thấp, không gắn với nhu cầu sử dụng cúng như nguồn lực, gây lãng phí. Quy hoạch thiếu gắn kết, không thống nhất, còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn. Chưa thể hiện được vị trí, vai trò là công cụ của quản lý nhà nước trong xác định mục tiêu, định hướng phát triển của xã hội. Phương pháp và nội dung quy hoạch chưa đổi mới cho phù hợp với tình hình thực tế.
Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch bị buông lỏng, chưa xử lý kịp thời và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo điều hành. Ban hành Luật quy hoạch là rất cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch, nhằm bảo đảm tính pháp lý cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bám sát nhu cầu phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của đất nước và là công cụ quan trọng trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, đại biểu Phương Hoa cũng đề nghị đưa nội dung của Điều 7 kinh phí cho hoạt động quy hoạch vào Điều 8 Chính sách của nhà nước về hoạt động quy hoạch và quy định theo hướng kinh phí cho hoạt động quy hoạch được Ngân sách Nhà nước bảo đảm trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cân nhắc quy định tại khoản 2 Điều 7 Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ kinh phí cho các hoạt động quy hoạch như vậy sẽ khó bảo đảm tính minh bạch, khách quan trong hoạt động quy hoạch.
Năng lực làm quy hoạch chưa đủ mạnh
Bày tỏ quan điểm riêng của mình, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP.HCM) cho rằng, đội ngũ tư vấn làm quy hoạch hiện nay của chúng ta chưa mạnh, đặc biệt ở TP.HCM đã triển khai nhiều quy hoạch nhất nhì cả nước nhưng chất lượng quy hoạch chưa cao, tính khả thi thấp và thiếu ý tưởng đột phá. Trong khi đó, kinh phí dành cho hoạt động quy hoạch còn hạn chế, dẫn tới việc khó thu hút được tư vấn có chất lượng, tư vấn nước ngoài tham gia đấu thầu tư vấn lập các đồ án quy hoạch của chúng ta.
Dẫn chứng cho nhận định này, đại biểu Tuyết thông tin, quy hoạch về du lịch tại Quảng Ninh được sự tư vấn của đội ngũ tư vấn nước ngoài thì có giá khoảng 40 tỷ đồng, trong khi đó tư vấn cho đồ án quy hoạch du lịch ở TP.HCM lại chỉ khoảng hơn 1 tỷ đồng. Với những định mức cho quy hoạch như hiện nay thì khó có những quy hoạch có chất lượng.
ĐBQH Bùi Văn Xuyền |
Trong khi đó, đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) cho rằng, quy hoạch đô thị đã có Luật Quy hoạch đô thị, Luật đất đai. Câu chuyện được đặt ra là liệu luật này ra đời có thay thế các luật khác hay không?
Đại biểu Xuyền bày tỏ: “Qua tờ trình Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế tôi thấy băn khoăn nội dung này. Rõ ràng hiện có tình trạng quy hoạch chồng chéo, chồng lấn giữa các vùng, tình trạng cát cứ hiệu quả rất thấp. Chính phủ ban hành luật này là để khắc phục những tồn tại đó. Do đó, ban hành luật là cần thiết nhưng để thay thế cho các luật khác thì cần gia cố rất nhiều”.
“Tính thống nhất luật này với luật khác cần đảm bảo. Nếu 2018 có hiệu lực thì quy hoạch tổng thế, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, huyện xã kết nối như thế nào? Năng lực của chúng ta có làm được tổng thể quy hoạch quốc gia trọn vẹn theo định hướng 10 năm tầm nhìn 20 năm, kết cấu hạ tầng 30 năm được hay không?” – đại biểu Bùi Văn Xuyền đặt vấn đề.