Cả nước đang quan sát ông Nguyễn Bá Thanh đưa ra sáng kiến gì ở Đà Nẵng
Cả nước đang quan sát ông Nguyễn Bá Thanh đưa ra sáng kiến gì ở Đà Nẵng
>> Chi tiết hội thoại ông Nguyễn Bá Thanh "truy" Giám đốc Sở
>> Ông Nguyễn Bá Thanh: Sai quy định nhưng có lợi cho dân thì kiên quyết làm!
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc phát biểu tại hội thảo "Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP Đà Nẵng năm 2012" tổ chức ngày 16/8 tại Đà Nẵng - Ảnh: HC |
Theo ông Vũ Tiến Lộc, sự phát triển của Đà Nẵng trong những năm qua đã mang đến động lực quan trọng cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Trong chừng mực nào đó, đến nay mọi người phải thấy một thực tế Đà Nẵng luôn là một trong những nơi khởi đầu các sáng kiến và thử nghiệm quan trọng các chính sách kinh tế của Việt Nam.
"Tôi nghĩ sẽ không quá lời khi nói trong giai đoạn hiện nay chúng ta có những chính sách về quy hoạch, phát triển hạ tầng, giải phóng mặt bằng, quản lý đô thị, cải thiện môi trường đầu tư... thì Đà Nẵng là một trong những địa phương đưa ra các sáng kiến và thực hiện những thử nghiệm đổi mới trong nền kinh tế Việt Nam, cũng giống như trước đây khoán sản phẩm ra đời từ Vĩnh Phúc, Hải Phòng!", ông Vũ Tiến Lộc nói.
Theo thống kê của VCCI, từ khi có mặt trong bảng xếp hạng PCI năm 2006 đến nay, Đà Nẵng liên tục và vững chắc nằm trong nhóm đứng đầu bảng xếp hạng. Tuy năm 2011 tụt xuống thứ 5 nhưng Đà Nẵng vẫn nằm trong nhóm có chất lượng điều hành rất tốt. Đặc biệt, Đà Nẵng luôn giữ được vị trí số 1 trong 5 TP trực thuộc TƯ, vốn là những địa phương ở "đỉnh cao" của cả nước nên việc điều hành khó hơn và cải thiện cũng khó hơn.
TP này được đánh giá cao về tính năng động của lãnh đạo chính quyền, chất lượng lao động tốt, tính minh bạch, chi phí gia nhập thị trường thấp... Đây là những chỉ số rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế địa phương. Có được điều này là nhờ những cố gắng vượt bậc trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Những nỗ lực xây dựng và quảng bá hình ảnh về môi trường kinh doanh năng động, thân thiện, hấp dẫn của Đà Nẵng thời gian qua đã có những bước đi thành công.
Cùng với chất lượng hạ tầng tốt (xếp thứ 2 năm 2011) thì hình ảnh nổi bật về môi trường kinh doanh cũng là một thông điệp tốt cho các nhà kinh doanh và đầu tư. Kết quả điều tra năm 2011 cho thấy: Tuy nằm ở khu vực miền Trung có nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, điều kiện tự nhiên... song Đà Nẵng là một trong ba địa điểm (cùng với TP.HCM và Bình Dương) được các doanh nghiệp trong và ngoài nước bình chọn có sức thu hút đầu tư lớn nhất ở Việt Nam, được ưu tiên lựa chọn trong việc đầu tư các dự án mới của họ trong thời gian tới. Đây là tín hiệu rất ấn tượng, thể hiện mức hấp dẫn và thân thiện của TP này.
Theo VCCI, việc tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tập trung phát triển nguồn nhân lực, tiến hành cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và tăng cường liên kết với các địa phương trong khu vực là những hướng đi đúng đắn mà Đà Nẵng đang thực hiện và đã có những thành công bước đầu để hướng tới một TP đáng sống cho mọi người dân, đáng đầu tư cho mọi doanh nghiệp.
"Thế giới cũng như cả nước và nhất là cộng đồng doanh nghiệp đang rất muốn quan sát xem ông Thanh (Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành uỷ), ông Chiến (Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP) sẽ còn tiếp tục đưa ra những sáng kiến gì ở Đà Nẵng. Người ta luôn theo dõi sát những bước đi, những sáng kiến, những đột phá của Đà Nẵng và rất hy vọng TP này sẽ tiếp tục sung sức với tư cách là một nơi thử nghiệm, nơi sáng tạo những mô hình đổi mới quản lý trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam; tiếp tục tạo nên động lực cải cách cho cả nước, đặc biệt là trong cải cách hành chính!", ông Vũ Tiến Lộc nói.
Đồng thời ông Lộc cũng nhấn mạnh, việc tiếp tục duy trì, phát huy vị thế của mình thực sự là thách thức rất lớn đối với Đà Nẵng. Bộ máy chính quyền các cấp của TP cần phải nỗ lực quyết liệt hơn do yêu cầu của các doanh nghiệp và người dân ngày càng cao hơn. Và đó cũng chính là lý do để Đà Nẵng tiến hành cuộc hội thảo ngày 16/8 để "mổ xẻ" nguyên nhân dẫn đến việc tụt hạng PCI năm 2011.
"Cá biệt" ở Đà Nẵng Kết quả sơ bộ của cuộc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai đang được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành trong cả nước cho thấy Đà Nẵng là một trường hợp "cá biệt". Cùng thời gian thực thi Luật Đất đai 2003 như các tỉnh, thành khác, Đà Nẵng đã ban hành khoảng 156.000 quyết định hành chính về đất đai, gần 94.000 hộ dân phải di dời để thực hiện các dự án. Nhưng các cấp thẩm quyền của Đà Nẵng chỉ phải ban hành hơn 400 quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo (so với Đồng Nai tiếp nhận gần 9.200 đơn khiếu nại, tố cáo; Bắc Ninh hơn 7.300 đơn; Thanh Hoá gần 4.400 vụ khiếu kiện; Sóc Trăng gần 12.500 vụ khiếu nại...). Kinh nghiệm của Đà Nẵng cho thấy họ rất chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo TP sẵn sàng đối thoại và giải quyết kịp thời những vướng mắc của dân liên quan đến chính sách, quá trình thực hiện đền bù, giải tỏa. Một điểm khác biệt nữa là từ nhiều năm nay TP tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng 100% các dự án chứ không để nhà đầu tư tự thỏa thuận với dân. Đà Nẵng cho rằng nếu để các nhà đầu tư tự thỏa thuận thì mỗi nhà đầu tư sẽ làm một phách, không ai giống ai, người dân sẽ có sự so bì và nảy sinh khiếu kiện. Theo Báo Tuổi trẻ ngày 5/8/2012 |
HẢI CHÂU