Cả “lá cải” và “không lá cải” đều cần
Cả “lá cải” và “không lá cải” đều cần
Cuộc “bút chiến” xung quanh chuyện "lá cải" đang diễn ra gay gắt giữa báo Đời sống & Pháp luật với báo Sài Gòn Giải Phóng và báo Phụ Nữ TP.HCM. PV báo điện tử Infonet đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Thụy Điển - nhà báo Thomas Kanger, người đang giảng dạy về nghiệp vụ điều tra báo chí cho các phóng viên VN về vấn đề này.
Chuyên gia Thomas Kanger đang giảng dạy và trả lời câu hỏi của phóng viên Infonet về "báo lá cải" |
Thưa ông, hiện tại báo chí Việt Nam đang có cuộc “bút chiến” rất gay gắt về “thảm họa báo lá cải”mà một số báo khởi xướng tranh luận. Ở Thụy Điển có báo lá cải không? Nếu có thì ranh giới nào để phân biệt?
Thụy Điển diện tích rộng hơn nhưng dân số chỉ bằng 1/10 dân số Việt Nam. Nước chúng tôi cũng có tình trạng báo in ngày càng “thất thế” so với báo điện tử. Truyền hình thì ổn định hơn. Cả nước có 5 tờ báo lớn phát hành toàn quốc, đều có trụ sở ở Thủ đô Stockhom. Chia ra làm 2 loại: Báo khổ lớn và báo khổ nhỏ. Khổ lớn, khổ nhỏ bây giờ không còn có nghĩa là khổ giấy in nữa mà có nghĩa phân biệt 2 dòng báo nghiêm túc và ít nghiêm túc hơn. Báo "khổ lớn" thường viết nghiêm túc hơn và thường phát hành vào buổi sáng. Báo khổ nhỏ thường đưa tin về những vấn đề gần gũi với cuộc sống và phát hành vào buổi chiều. Các báo giờ đã phát hành khổ giấy nhỏ và đều phát hành vào buổi sáng.
Trong 5 tờ báo quốc gia đó có 1 tờ báo kinh tế, 2 tờ báo nghiêm túc và 2 tờ còn lại tự nhận là báo “lá cải”. Từ trước, 2 tờ báo này cũng là báo “khổ nhỏ”, nhưng hiện nay họ lại chuyển hướng sang làm báo nghiêm túc và phát hành khổ lớn. 2 tờ tự gọi là báo lá cải nhưng nghiêm túc hơn báo lá cải của Anh (như The Sun).
Hai tờ báo tự nhận là “lá cải” có một tờ phát hành lớn nhất và một tờ phát hành đứng thứ 3. Cá nhân tôi làm phóng viên điều tra cho tờ “lá cải”- khổ nhỏ lớn nhất. Sự khác biệt để phân biệt với báo nghiêm túc là khi tờ báo nghiêm túc viết về vấn đề vĩ mô thì họ thường kéo sang góc nhìn liên quan đến người dân hơn. Thay vì nêu chính sách thì họ sẽ nói chính sách này ảnh hưởng đến anh, đến tôi như thế nào. Đa phần các báo đều giống nhau về nội dung chỉ khác nhau về góc nhìn và cách tiếp cận vấn đề khác nhau thôi. Báo khổ nhỏ thường chọn cách trao đổi còn báo khổ lớn thì thường chuyển tải chính sách thông thường.
Chuyện “bút chiến” giữa các báo thì ở Thụy Điển cũng có. Hiện tại cũng đang có bút chiến giữa 2 tờ báo “khổ lớn” và “khổ nhỏ”. Đó là tờ Aftonbladet và tờ Dagens Nyheter, tuy nhiên chúng tôi chỉ “bút chiến” về vấn đề chính trị xã hội.
Theo ông, báo “lá cải” (khổ nhỏ như ở Thụy Điển) có những lợi ích gì cho xã hội?
Lợi ích của báo khổ nhỏ rất quan trọng với đời sống người dân. Thông qua cách đưa tin gần gũi với người dân, người dân hiểu hơn chính sách vĩ mô. Chính sách vĩ mô được đi vào cuộc sống dễ dàng hơn.
Mặt lợi ích thứ 2, báo khổ nhỏ từ những thông tin về những người nổi tiếng, về những tin đồn… Cá nhân tôi không quan tâm nhưng nhiều người, nếu không có hại cho ai thì hoàn toàn tốt thôi, nó sẽ đảm bảo về mặt giải trí cho công chúng. Tuy nhiên, gần đây có một số báo phản ánh những thông tin liên quan đến chuyện nhỏ nhặt của sao như sao sau sàn diễn, sau cánh gà, vì sao sao này không diễn… Tôi nghĩ những cái đó không liên quan gì đến cuộc sống, không ích lợi gì cho cuộc sống.
Nhìn nhận một khách quan, 2 loại hình báo chí này đều rất cần thiết cho xã hội.
Nếu ông là độc giả ông sẽ chọn loại báo nào để đọc?
Tôi đọc cả 2. Tùy thuộc vào chủ đề quan tâm mà tôi chọn báo. Thông thường buổi sáng tôi sẽ đọc thông tin từ những tờ báo “khổ lớn”- tờ báo nghiêm túc sau đó sẽ đọc những tờ báo “khổ nhỏ”.
Ông đang giảng dạy về kỹ năng điều tra cho phóng viên Việt Nam. Theo ông, trong thể loại điều tra có sự khác biệt giữa điều tra cho báo “lá cải” và báo chính thống không?
Theo tôi, không có sự khác biệt nào về thể loại này. Điều tra là tìm ra sự thật, mà sự thật thì chỉ có một. Khác chăng là khi lựa chọn đề tài. 2 hình thức báo chí sẽ có những đề tài phản ánh khác nhau.
Tôi lấy một ví dụ thế này. Tờ báo đứng thứ tư ở Thụy Điển về độ nghiêm túc họ cũng có cách điều tra của họ. Họ luôn bắt đầu tờ báo của mình từ việc kiểm tra sự thật của những câu nói của chính khách. Họ sẽ cho điểm xem chính khách đó nói đúng hay sai. Việc này cũng làm cho chính khách cẩn thận hơn ở những lời phát biểu của mình.
Là người giảng dạy về báo chí nhiều năm ở Việt Nam, bản thân ông mong muốn gì về tương lai phát triển của báo chí Việt Nam?
Nếu giới hạn trong phạm vi lĩnh vực điều tra mà tôi đang dạy thì tôi mong muốn các bạn sẽ được nhiều nguồn lực hơn để các bạn làm những bài điều tra nghiêm túc, các nhà báo sẽ nỗ lực nhiều hơn để đi đến tận cùng vấn đề.
Về truyền hình, tôi mong muốn truyền hình của các bạn ít những thông tin chung chung vĩ mô, có nhiều thông tin liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân hơn.
Xin cảm ơn ông!
Văn Cường
(Thực hiện)